Bị mẹ ép thi lại đại học 9 lần, còn bị ép đâm kim vào tay lấy máu viết chữ, cô gái làm ra hành động dại dột khó lòng tha thứ
Câu chuyện đau thương của gia đình cô gái này là hệ quả của việc cha mẹ thường xuyên kiểm soát cuộc sống con cái và tạo áp lực học khổng lồ lên đứa trẻ.
Xã hội ngày càng hiện đại khiến việc học của con cái trở thành mục tiêu trọng tâm của nhiều bậc phụ huynh. Không chỉ người lớn đối mặt với áp lực mà trẻ nhỏ cũng không tránh khỏi căng thẳng.
Thế nhưng cũng chính vì kỳ vọng quá vọng quá lớn của cha mẹ mà đôi khi con cái bị vạ lây, gánh trên vai áp lực khổng lồ rồi dẫn đến hành động dại dột. Nhiều gia đình cũng lâm vào bi kịch từ đây.
Con gái bị mẹ ép thi lại đại học 9 lần, từng phải tự đâm kim vào tay để lấy máu viết chữ
Theo Sohu, truyền thông Nhật Bản từng đồng loạt đưa tin câu chuyện bi thương đằng sau vụ án con gái sát hại mẹ sau khi bị gia đình ép thi lại đại học tới... 9 lần. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận một thời gian và tạo thành nhiều cuộc tranh cãi về áp lực học hành của học sinh thời nay.
Cụ thể hơn, Akari sống ở thành phố Moriyama, tỉnh Shiga đã bị mẹ áp dụng nhiều biện pháp giáo dục và kiểm soát nghiêm khắc để ép con thi đỗ trường Y của ĐH Quốc gia.
Để giám sát việc học của con, mẹ Akari - bà Taeko đã đặt ra nhiều quy định "lạ đời" như bắt con gái phải tắm chung, chi tiền thuê thám tử theo dõi nhất cử nhất động và cấm con dùng điện thoại nếu không có sự giám sát của bà... Chưa dừng lại ở đó, bà Taeko còn từng ép con dùng kim đâm vào đầu ngón tay và viết dòng chữ: "Nếu học tập chăm chỉ, con nhất định sẽ thi đỗ" trên tờ giấy bằng chính máu của mình. Nếu như Akari chỉ uống một chút rượu, cô sẽ bị mẹ nhốt cả đêm ngoài vườn.
Được biết, năm Akari 18 tuổi, cô từng cố gắng bỏ nhà ra đi nhằm thoát khỏi phương pháp giáo dục tiêu cực từ gia đình. Thế nhưng, Akari đã bị mẹ bắt quay về nhà, thậm chí còn gây rối ở nơi cô làm việc.
Lên 20 tuổi, Akari dự định bỏ nhà ra đi lần 2. Akari đã lên kế hoạch xong xuôi, thế nhưng sự việc tiếp tục đổ bể khi mẹ cô đọc trộm nhật ký và phát hiện suy nghĩ của con gái. Chịu ảnh hưởng quá sâu từ cách giáo dục của gia đình, Akari một lần nữa chấp nhận trở lại cuộc sống cũ và bị mẹ quản lý nghiêm ngặt việc học.
Được biết, trong lần thi lại đại học đầu tiên, Akari đã đỗ một trường dự bị ở Kyoto. Thế nhưng, do bố mẹ sợ sống xa con gái, Akari phải từ bỏ ngôi trường này. Trong những kỳ thi đại học sau đó, việc chọn trường và chuyên ngành thi đều do bà Taeko quyết định, bản thân Akari không có bất kỳ cơ hội tự chủ nào. Cũng theo Akari, đã nhiều lần cô cố gắng bộc lộ suy nghĩ của bản thân thế nhưng đều bị mẹ phớt lờ.
Cuối cùng sau 9 năm thi đi thi lại đại học, Akari trúng tuyển khoa Điều Dưỡng, trường Y thuộc ĐH Y Shiga. Lần này, Akari đã tìm thấy ước mơ của đời mình là trở thành y tá chuyên khoa phẫu thuật. Thế nhưng, mẹ Akari lại kiên quyết phản đối và yêu cầu con ký một bản cam kết sẽ không trở thành y tá ngay. Nguyên nhân đằng sau là do bà Taeko hy vọng con thi đỗ trường Y của ĐH Quốc gia Nhật Bản.
Cuối cùng vào tháng 1/2018, Akari đã vô tình làm ra hành động không thể tha thứ là sát hại mẹ trong khi bà Taeko đang say ngủ. Sau khi làm xong việc này, Akari đã việc trên trang cá nhân: "Từ giờ, tôi có thể sống thanh thản".
Vào tháng 6 cùng năm, Akari đã bị bắt giữ, sau đó cô bị kết án 10 năm tù giam cho hành động dại dột của mình.
Bi kịch của gia đình Akari chính là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh rằng áp lực học hành có thể làm biến đổi bản chất con người như thế nào. Khi câu chuyện của Akari được chia sẻ, bên cạnh các ý kiến chỉ trích cô gái có hành động man rợ, cũng có nhiều quan điểm bày tỏ sự cảm thông với Akari. Trên thực tế, không thể phủ nhận tội ác của Akari, thế nhưng ở góc độ khác, cô gái này cũng là "nạn nhân" khi từng bị mẹ kiểm soát cuộc sống riêng tư và chịu đựng áp lực học hành khổng lồ.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái. Thế nhưng tình thương không nên bị đánh đồng với việc kiểm soát nghiêm khắc, bắt con phải làm theo ý muốn của riêng mình. Nếu trẻ nhỏ bị quản lý một cách quá mức có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường sau:
- Nổi loạn, bất đồng và khó dạy hơn
Trong nhiều trường hợp, "vỏ bọc" ngoan ngoãn của con không phải sự đồng tình của trẻ với phương pháp giáo dục của cha mẹ. Đến một thời điểm, trẻ đã quá mệt mỏi với việc phải mang "vỏ bọc" trên mình, con sẽ bộc lộ sự phẫn nộ đã tích luỹ qua thời gian như nổi loạn, ngang nhiên cãi lại và không thèm nghe lời cha mẹ.
- Dễ mắc bệnh tâm lý
Cha mẹ kiểm soát con cái quá mức có thể gây ra những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, bé có thể gặp các vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu, stress, tự ngược đãi bản thân, trầm cảm…
- Hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự ti
Con cái sống với bố mẹ kiểm soát quá chặt sẽ khiến con hình thành tâm lý sợ hãi giao tiếp xã hội, thiếu tự tin và nhút nhát. Nguyên nhân sâu trong là vì trẻ chưa bao giờ tự làm chủ cuộc sống và không biết cách đưa ra quyết định. Cũng vì thế khi con gặp xung đột trong xã hội hoặc tiếp xúc với người lạ, trẻ dễ lắng nghe và đồng tình với người khác mà không dám nói lên chính kiến của mình.
- EQ thấp
Việc bố mẹ kiểm soát quá đà đã "cướp" của con quyền học kỹ năng mềm, sắp xếp nhiệm vụ quan trọng trong cuộc sống... Vì không có kỹ năng xã hội nên con cũng gặp hạn chế trong giao tiếp, EQ thấp và không thể tự mình giải quyết khó khăn.
Trong trường hợp này, trẻ có thể chia sẻ để nhờ bố mẹ giúp đỡ như mọi khi hoặc lựa chọn giải quyết vấn đề theo hướng tiêu cực nhất. Nếu tình trạng này không được cải thiện, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì các mối quan hệ khi trưởng thành.
Cha mẹ cần làm gì để tránh kiểm soát cuộc sống con cái quá mức?
Không chỉ riêng người lớn, trẻ nhỏ cũng cần quyền riêng tư, chúng mong muốn được lắng nghe và tôn trọng ước mơ của bản thân. Mặc dù đôi khi kinh nghiệm sống của con vẫn chưa đủ, con dễ mắc sai lầm nhưng đổi lại, thất bại là một phần cần thiết của trưởng thành. Việc cha mẹ quan tâm và che chở con là hoàn toàn không sai, nhưng bạn cần cho con một không gian riêng tư để thoải mái phát triển và thể hiện bản thân.
Dưới đây là vài lưu ý mà cha mẹ có thể tham khảo để tránh kiểm soát cuộc sống con quá mức, từ đó phòng ngừa các hệ luỵ khôn lường:
- Lắng nghe suy nghĩ của con: Hãy dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày. Đừng cố gắng quyết định mọi thứ theo cảm nhận của bạn mà hãy lắng nghe quan điểm của con, thấu hiểu cảm xúc mà con đang chịu đựng.
- Tuỳ thuộc vào lứa tuổi, hãy cho con quyết định hành động của mình: Khi con còn nhỏ, hãy để con quyết định theo đuổi trò chơi nào, có thích học môn này hay không. Khi con lớn lên, đừng vội phủ nhận quan điểm chọn trường, chọn chuyên ngành học mà cần cùng con phân tích đúng sai, lựa chọn hướng đi phù hợp cho trẻ sau này. Hãy nhớ một nguyên tắc "Cha mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên, người có quyền quyết định vẫn là con cái".
- Dạy con các kỹ năng sống cần thiết: Cha mẹ không thể đi bên cạnh con cả đời. Do đó, phụ huynh nên để con học cách sống tự lập, chăm lo cho bản thân càng sớm càng tốt.
Tổng hợp