Bi kịch gia đình cựu Tổng thống Kennedy hay cái giá của tham vọng
(Thethaovanhoa.vn) - Joseph Kennedy là bố của 9 đứa con mà nhiều trong số này đã đi vào lịch sử: John F. Kennedy - Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ; Robert F. Kennedy – Bộ trưởng tư pháp, thượng nghị sĩ; Edward Kennedy - Thượng nghị sĩ; Eunice Mary Kennedy - sáng lập Special Olympics và mẹ vợ của thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger… Chỉ có con gái Rosemary của ông là không mấy ai biết.
Bác sĩ Walter Freeman
… liên tục động viên nữ bệnh nhân đang nằm trên bàn mổ: Hát đi, đọc thơ đi, đếm từ 1 đến 10 đi! Ông thử đủ mọi cách để bệnh nhân đừng chú ý đến những gì đang xảy ra với cái đầu của cô. Trước đó các y tá đã cắt trụi mái tóc tuyệt đẹp để bác sĩ James Watts khoan 2 lỗ đường kính 2,5 cm vào hộp sọ của Rosemary.
Rồi Watts đẩy con dao thép vào một lỗ khoan. Ngày càng sâu. Cho đến khi cắt bó dây thần kinh nối giữa thùy trán và não trung gian. Động tác này được lặp lại phía bên kia. Dần dần, tiếng nói của nữ bệnh nhân càng lúc càng rời rạc, cho đến khi tắt hẳn.
Bố cô, Joseph Kennedy, đã đưa con gái vào bệnh viện George Washington University Hospital ở Washington D.C. để tiến hành một cuộc phẫu thuật đầy rủi ro. Rosemary từ bé đã là một học sinh chậm hiểu và tính tình hung hãn, cuộc phẫu thuật nọ nhằm cải thiện chứng đó. Vài tiếng sau, khi Freeman và Watts khám lại bệnh nhân thì họ bị sốc nặng: sức khỏe Rosemary Kennedy chẳng những không khá lên, mà có lẽ những tổn hại do hai "thầy mo" nghiệp dư nọ gây ra sẽ không bao giờ phục hồi lại được nữa. Cô không thể đi, nói hay làm những động tác đơn giản. Từ nay trở đi, cô gái 23 tuổi với nụ cười thân thiện sẽ là con bệnh nặng đến cuối đời và không thể rời trại điều dưỡng được nữa.
Niềm vui chào đời
… ngày 13/9/1918 đã bị phủ bóng đen bởi nhiều trục trặc không đáng có. Vì bác sĩ đến muộn, không ai dám đỡ đẻ cho bà quý tộc Rose Kennedy. Khi đứa bé xuất hiện, y tá đẩy ngược nó vào bụng mẹ, hai tiếng liền, cho đến khi bác sĩ có mặt. “Một cô nương duyên dáng chào đời”, như báo Boston Globe hân hoan đưa tin.
Nhưng cô bé không chịu phát triển như các anh trai khỏe mạnh của mình. Rose Kennedy ghi lại trong hồi ký: “Nó chậm chạp trong mọi lĩnh vực, và có vẻ như không có khả năng học làm một số điều bình thường.” Rất có thể do thiếu dưỡng khí khi ra đời nên một số chức năng của não đã bị ảnh hưởng. Trong đám 9 anh chị em, Rosemary nay thành kẻ ngoài lề.
Gia đình Kennedy với 8 trong số 9 đứa con
Với bầu máu lạnh và năng khiếu chính trị bẩm sinh, Joseph Kennedy dần dựng nên một đế chế tài chính hùng mạnh rồi từ đó muốn đặt chân sang lĩnh vực chính trị.
Trước xã hội, con cái ông phải tạo một bức tranh hoành tráng - khỏe mạnh, ưa mắt và thông minh. Cứ mỗi thứ Bảy là cả đám trẻ phải lên bàn cân. Mỗi bữa ăn biến thành tiết học về lịch sử hay tôn giáo. “Hãy học cách trở thành người thắng cuộc”, đó là khẩu hiệu của ông bố lắm tham vọng, như Rose Kennedy ghi lại.
Trừ đứa con gái lớn nhất. Bố cô cầu viện mọi bác sĩ giỏi nhất trong nước. Lên 10, Rosemary được gửi đến một trường ở Pennsylvania cho học sinh thiểu năng. Đây mới chỉ là trường đầu tiên trong 5 cơ sở mà cô bé sẽ phải trải qua.
Những bức thư với nét chữ vụng dại và đầy lỗi chính tả cho thấy một đứa trẻ tuyệt vọng trong nỗ lực làm cha mẹ hài lòng: “Con ghét phải làm bố thất vọng dù ở hình thức nào”, cô viết cho bố năm 1934. Ông bố thì không từ một thí nghiệm nào, kể cả tiêm hormon cho con từ nhỏ.
Dù liên tục chuyển trường, Rosemary lớn lên như một thiếu nữ ham sống và nhiều bạn. Năm 1937, bố cô thành đại sứ Mỹ ở London, và ở đây cô tìm được công việc ưa thích: nuôi dạy trẻ. Nhưng chẳng bao lâu, vì các cuộc ném bom của Đức nên cô phải quay về Mỹ.
Một giai đoạn đen tối bắt đầu
… với những cơn kích động đầy bạo lực. Có lần cô đánh cả ông nội, đêm đêm cô bỏ nhà ra phố với chúng bạn. Trong nỗi lo là Rosemary có thể mang thai và làm hại thanh danh gia đình, Joseph Kennedy được giới thiệu với bác sĩ Walter Freeman. Người này quảng cáo một phương pháp ngoại khoa có thể chữa mọi bệnh tâm thần. Bỏ qua mọi cảnh báo của Hiệp hội y học Mỹ - American Medical Association, ông chủ gia đình có truyền thống phụ hệ một mình đưa ra quyết định. “Nhà Kennedy không khóc!” là khẩu hiệu của ông nhồi vào đầu con cái. Không ai trong gia đình được thông báo khi Rosemary lên bàn mổ.
Kết quả vụ phẫu thuật thì ta đã biết. Sau đó Rosemary biến khỏi bức tranh gia đình, với lý do là cô “đến miền Tây làm giáo viên”.
Thực tế là cô gái tàn tật được gửi vào một bệnh viện phục hồi các bệnh nhân tâm thần gần New York. Năm 1948, bố cô cho cô chuyển đến một tu viện ở Wisconsin do các bà xơ điều hành. Lúc này John F. Kennedy đang đi vào chính trường và có lẽ ông chủ gia đình muốn có một khoảng cách an toàn.
Gần 60 năm, các bà xơ chăm sóc Rosemary Kennedy. Cô học bơi, chạy, nghe nhạc… Sau khi Joseph Kennedy bị đột quỵ năm 1961, mẹ cô mới bắt liên lạc lại với con gái.
Lần tái ngộ đầu tiên diễn ra bi thảm: Rosemary đánh mẹ tàn nhẫn, không rõ vì không nhận ra mẹ mình hay vì căm phẫn bị bỏ rơi chừng ấy năm ròng. Sau này quan hệ mẹ con khá lên, thậm chí Rosemary nhiều lần quay về thăm gia đình, dù rằng mẹ cô trước mỗi chuyến thăm đều lên cơn trầm uất. Người ta từng nghe bà thì thào vào tai con: “Ôi, chúng ta đã làm gì với con?” Không bao giờ bà tha lỗi cho chồng vì vụ phẫu thuật bất thành.
Rosemary Kennedy qua đời đầu năm 2005. Ít nhất thì lần này cô không cô đơn: Eunice, Jean, Patricia và Edward đứng cạnh giường cô. Các anh chị khác đều đã chết - ở mặt trận, hay vì rơi máy bay, hay vì bị ám sát.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần