Bi kịch của thủ khoa đại học sau 26 năm: Từng làm đến giám đốc nhưng giờ thành người vô gia cư, phải bới rác để kiếm ăn
Đằng sau cuộc sống tưởng như bi kịch của người đàn ông này là một câu chuyện dài khiến nhiều người tranh cãi.
Thường Học Phúc (SN 1979), sinh ra trong gia đình khó khăn tại một vùng quê ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bố mẹ Học Phúc đều là nông dân, song từ nhỏ anh đã có năng lực học tập vượt trội hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
Trong kỳ thi đại học năm 1997, Học Phúc thi đỗ nguyện vọng 1 là ngành Quản lý Thông tin ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, với vị trí Thủ khoa. Sau khi đạt được thành tích giỏi giang, Học Phúc được kỳ vọng đem lại cơ hội "đổi đời" cho cả gia đình. Cũng từ đó, áp lực phải mang đến tương lai tươi sáng cho người thân đè nặng lên vai Phúc.
Suốt 4 năm đại học, Học Phúc luôn đạt thành tích tốt trên trường. Dẫu vậy, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh không thể học tiếp Thạc sĩ mà phải đi làm để phụ giúp gia đình.
Anh chuyển đến tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) và nhanh chóng tìm được một công việc có mức thu nhập cao. Tại đây, anh dành trọn thời gian làm việc, không để ý chăm sóc bản thân. Ban đầu anh quan niệm, cứ làm việc chăm chỉ, tương lai sẽ thu về thành quả xứng đáng. Nhưng thời gian dần trôi qua, Học Phúc tự thấy bản thân chỉ giống như "cỗ máy kiếm tiền", sức khoẻ dần suy kiệt. Vậy là anh quyết định tới Thượng Hải và tự mở cửa hàng kinh doang máy tính. Với năng lực giỏi giang, công việc làm ăn của anh thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập cao.
Tuy nhiên, đến năm 2010, anh phải tự tay "đóng cửa" công ty vì không chịu được áp lực từ công việc kinh doanh. "Ăn tôi cũng phải tranh thủ từng phút. Sống trong thành phố phát triển như Thượng Hải khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt. Tôi khao khát được về quê, sống yên bình", Học Phúc tâm sự.
Sau khi trở về quê hương, Học Phúc không ở cạnh gia đình mà sống trong một căn nhà lụp xụp, mở hàng trái cây nhỏ. Cuộc sống bình lặng như thế của anh trôi qua trong 7 năm. Cũng trong thời gian này, Học Phúc đã kết hôn và có một cô con gái. Dẫu vậy đến cuối cùng, vì mâu thuẫn không thể hàn gắn, vợ chồng anh ly hôn, con gái đi theo mẹ. Bản thân anh rơi vào tình trạng phá sản vì phải bồi thường cho vợ và chu cấp cho con một khoản tiền lớn.
Một người hàng xóm đã nhận xét về tính cách của Học Phúc: "Khi ở nhà, anh ta rất ít khi giao tiếp với gia đình và bạn bè. Đôi khi, anh ta có những quan điểm khác biệt mà người bình thường không thể hiểu nổi".
Sau khi ly hôn, Học Phúc tâm sự với gia đình rằng anh muốn chọn cuộc sống lang bạt. Đứng trước sự phản đối gay gắt từ gia đình, Học Phúc vẫn lựa chọn quyết tâm theo đuổi "nguyện vọng" này.
"Tôi suy nghĩ và hành xử khác với mọi người. Cho dù tôi có ở lại đây, họ không thể chấp nhận được tôi, và tôi cũng không thể chấp nhận họ", Học Phúc từng tâm sự.
Cách đây gần 2 năm, một clip ghi lại cảnh Học Phúc đang đi lại trên đường phố đã gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc. Trong clip, Thủ khoa đại học một thời xuất hiện với bộ dạng lôi thôi, râu ria bờm xờm, mặt mũi lấm lem. Đáng nói, anh ta vừa đi vừa lục lọi thùng rác để kiếm ăn. Thậm chí, khi nhìn thấy Học Phúc, một số người đi đường còn không giấu nỗi ánh nhìn giễu cợt.
Đáng chú ý là khi được phóng viên đề nghị trả lời phỏng vấn, Học Phúc đã đối đáp với phong thái tự tin, ăn nói gọn gàng, hoàn toàn không giống một người thiếu thốn vật chất, phải sống tạm bợ qua ngày. Cũng từ đoạn clip, câu chuyện "thủ khoa đại học trở thành người ăn mày" của Học Phúc đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của netizen.
Câu chuyện của Học Phúc nổi tiếng đến mức có người còn tìm đến nhà giáo viên chủ nhiệm cũ của anh. Vị giáo viên này đã thể hiện niềm thương xót cho hoàn cảnh của học trò, hy vọng một ngày anh có thể quay trở với cuộc sống bình thường. Còn với gia đình Học Phúc, hẳn nhiên bố mẹ anh cũng mong mỏi ngày con trai từ bỏ lối sống lang bạt, ổn định lại cuộc sống.
Đối với nhiều người, cuộc đời Học Phúc có thể là nỗi bất hạnh khi anh ta từng là thủ khoa Đại học, làm chủ doanh nghiệp mà giờ lại chọn làm ăn mày. Thế nhưng, với Học Phúc, cuộc sống hiện tại mới là điều anh đang tìm kiếm.
"Tôi muốn có cuộc sống bình yên, không bệnh tật, không tai họa, khỏe mạnh thay vì ngày ngày phải đo đếm số tiền kiếm ra. Ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử mọi thứ đến và đi rất nhanh, nên tôi chọn làm những việc mình muốn", Học Phúc nói.
Câu chuyện của Học Phúc được mạng xã hội đón nhận với hai luồng quan điểm trái chiều. Có người cho rằng anh dũng cảm, dám vượt qua mọi điều tiếng để đi theo con đường bản thân mong ước. Thế nhưng, không ít người vẫn phản đối gay gắt.
Có thể dẫn chứng bằng một số bình luận chỉ trích sau đây:
- Sao tôi không thấy cuộc đời anh ta đáng tự hào vậy nhỉ? Rõ ràng, anh ta là người đàn ông có năng lực, vậy mà lại sẵn sàng vứt bỏ gánh nặng chăm sóc bố mẹ để đi theo con đường này. Anh ta không cần thể diện của bản thân, nhưng ít nhất cũng cần nghĩ đến bố mẹ chứ?
- Cuộc đời người đàn ông này tóm gọn trong 2 từ: Bi kịch. Anh ta có tài năng, tiếc thay lại thiếu kinh nghiệm sống, khả năng chống chọi với áp lực kém. Nếu anh ta một lần mở rộng tầm nhìn, có thể thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp hơn. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cha mẹ đừng chỉ chăm chăm mong con học giỏi, bạn cần phải dạy con nhiều khía cạnh khác nữa. Có những đứa trẻ thành công nhưng không bao giờ tìm kiếm được hạnh phúc từ cuộc sống đích thực, Học Phúc chính là ví dụ điển hình.
- Cuộc sống hiện tại hạnh phúc với Học Phúc, nhưng lại là bi kịch với gia đình, với người con gái bị anh ta bỏ rơi.
Còn bạn, bạn đánh giá như thế nào về cuộc sống của vị thủ khoa Học Phúc này?
Nguồn: Sohu