Bi kịch của đứa trẻ bị nuông chiều quá đà: 34 tuổi vẫn thất nghiệp, sống ăn bám bố mẹ, thất bại liên tiếp trong 59 lần xem mắt
Nuông chiều con cái là "chất độc" mãn tính từ từ đẩy cuộc đời trẻ vào bi kịch.
Đứa trẻ nào sinh ra cũng giống như tờ giấy trắng và mang đức tính tốt đẹp. Chính cách giáo dục của mỗi gia đình lại tạo ra những cuộc đời khác nhau.
Trong đó, nuông chiều con cái là một trong những phương pháp giáo dục con sai lầm, dễ đẩy cuộc đời đứa trẻ vào bi kịch. Những đứa trẻ lớn lên được nuông chiều tất yếu thiếu tinh thần kiên cường và dũng khí vượt khó. Để nói về câu chuyện bao bọc con sai cách, khiến con cái ngày càng sinh hư thì phải kể đến trường hợp của Phan Kiệt.
Con trai 34 tuổi vẫn ăn bám bố mẹ, thất bại cả 59 lần xem mắt
Phan Kiệt (1980), sinh ra trong một gia đình tri thức, có mẹ là quản lý trong nhà máy và bố là giáo viên. Cha mẹ Phan Kiệt rất yêu thương và chiều chuộng cậu con trai này.
Để Phan Kiệt được tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt nhất, bố mẹ cậu liền thuê nhà gần trường chỉ để con tiện đi học mỗi ngày. Ngoài giờ học, bố mẹ còn cho Phan Kiệt học thêm nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng, giúp cậu trở thành đứa trẻ toàn diện.
Ngày còn nhỏ, Phan Kiệt được nhận xét là một đứa trẻ chu đáo và nhạy cảm. Sau khi từ trường về, cậu sẽ tự ý thức không làm phiền bố mẹ mà ngồi ngay vào bàn học để hoàn thành bài tập được giao. Trên lớp, Phan Kiệt cũng thường xuyên được thầy cô và phụ huynh của các bạn học khác khen ngợi.
15 tuổi, Phan Kiệt thi đỗ một trường phổ thông có tiếng ở địa phương. Kiệt rời xa vòng tay cha mẹ và bắt đầu cuộc sống tự lập hơn ở ngôi trường nội trú. Cũng từ đây, bước trượt dài của nam sinh này đã bắt đầu.
Thời gian đầu mới chuyển vào ký túc xá, Kiệt gặp khó khăn trong việc làm quen với cuộc sống mới. Thời gian rảnh rỗi, cậu thường gọi điện phàn nàn với bố mẹ. Cũng vì lo cho con trai, bố mẹ Phan Kiệt liên tục gửi tiền chu cấp cho cậu.
Nắm trong tay số tiền lớn, lại không có người lớn ở bên cạnh bảo ban, Kiệt bắt đầu sa chân vào con đường nghiện trò chơi điện tử. Từ đó, Phan Kiệt dần bỏ bê học hành, số lần bỏ học để chơi game nhiều không đếm xuể.
Đáng nói, khi bố mẹ Phan Kiệt nhận được lời phản ánh về con trai từ giáo viên, họ lại nghĩ đơn giản rằng đứa trẻ nào cũng có tính ham chơi. Cũng vì thế, Phan Kiệt càng có cơ hội sa đà vào các trò chơi điện tử. Năm 18 tuổi, cậu thi trượt đại học và chỉ đỗ vào một trường cao đẳng không mấy tiếng tăm.
Lúc Phan Kiệt tốt nghiệp, bố mẹ vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào con trai. Nhưng vì được bao bọc từ nhỏ, lại còn nghiệm game nặng, Phan Kiệt hoàn toàn mất đi khả năng tự lập. Không những không chịu đi tìm việc làm, Phan Kiệt còn suốt ngày ở nhà, dùng tiền sinh hoạt phí nhận được từ bố mẹ để nạp vào các trò chơi điện tử.
Cứ thế cho đến năm 34 tuổi, Phan Kiệt vẫn ở trong tình trạng thất nghiệp, sống dựa dẫm vào cha mẹ. Đáng nói, trong một lần bị mẹ khuyên nhủ không nên chơi game suốt ngày, Phan Kiệt còn ngang nhiên cãi lại và đánh gãy tay mẹ anh ta.
Sau khi câu chuyện của gia đình Phan Kiệt được chia sẻ, nhiều người thể hiện bức xúc với hành động bất hiếu này của anh ta. Nhiều người còn đề nghị Phan Kiệt cần được tách riêng ngay khỏi gia đình, để anh ta tự học cách sống tự lập.
Không chỉ con đường sự nghiệp chẳng có tia hy vọng, câu chuyện tình cảm của Phan Kiệt cũng lận đận chẳng kém. Thương con trai, bố mẹ Phan Kiệt nhiều lần tổ chức các buổi xem mắt cho con. Tuy nhiên, trải qua 59 lần xem mắt thất bại, Phan Kiệt vẫn chưa tìm thấy đối tượng kết hôn phù hợp. Kể từ đó, anh ta chẳng thiết tha tìm bạn đời nữa mà chỉ ở nhà, sống dựa dẫm vào bố mẹ kể cả khi họ đã về già.
Giờ đây, dẫu cho bố mẹ Phan Kiệt có hối hận vì từng nuông chiều con đến mức hành vi của đứa trẻ bị biến đổi thì mọi chuyện đã quá muộn. Sản phẩm của sự nuông chiều đến từ cha mẹ không chỉ gây rắc rối cho chính đứa trẻ, mà còn ảnh hưởng đến người khác.
Nếu nuông chiều con mù quáng, cha mẹ không chỉ tước mất của con cơ hội được trưởng thành mà còn tạo nên những đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết sống hưởng thụ. Cha mẹ càng dễ dàng trong việc nuôi dạy sẽ khiến trẻ càng dễ mắc sai lầm, dần dần không có cách nào vực dậy được.
Dưới đây là nguyên tắc "5 không chiều" mà cha mẹ có thể tham khảo nhằm khuyến khích tính độc lập và trưởng thành của trẻ:
- Đừng chiều những đứa trẻ không biết nguyên tắc:
Người xưa có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ". Vì vậy, cha mẹ cần phải lập ra các nguyên tắc và hướng dẫn trẻ tuân theo ngay từ sớm. Đừng nghĩ trẻ còn bé mà được sống theo ý thích của bản thân.
Cha mẹ nên dạy cho trẻ những nguyên tắc xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Hãy nói cho con biết những điều con nên và không nên làm. Lúc bắt đầu, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng khi khôn lớn, con sẽ hiểu được sự khổ tâm của cha mẹ.
- Đừng chiều cho trẻ không làm việc nhà:
Các công việc nhà tưởng như nhỏ bé như quét dọn nhà cửa, gấp quần áo, nhặt rau... nhưng lại rất có lợi trong việc rèn kỹ năng sống cho trẻ. Nếu như cha mẹ cứ mãi làm hộ con việc nhà, cha mẹ không chỉ khiến trẻ trở nên lười biếng mà còn "tước" mất quyền được học kỹ năng sinh tồn cơ bản. Bên cạnh đó, làm việc nhà không chỉ giúp con tăng tính tự giác, có trách nhiệm với gia đình hơn.
- Đừng bỏ qua những lần con thất lễ với người lớn:
Khi con được bao bọc trong sự nuông chiều của người lớn, con bắt đầu có những hành vi cử chỉ và lời nói xấc xược. Khi đó, cha mẹ cần phải giáo dục và uốn nắn con nghiêm khắc. Tất nhiên chúng ta không bắt con phải học hết những lễ nghi rườm rà, phức tạp. Nhưng những lễ phép cơ bản thì con nhất định phải nắm được.
- Đừng chiều những đứa trẻ hay khóc lóc ầm ĩ:
Những đứa trẻ hư thích dùng nước mắt hay ăn vạ để lấy được lòng thương cảm của người lớn. Tuy nhiên, khi con làm sai, cha mẹ không nên vì thương con mà lúc nào cũng nhân nhượng cho con. Lâu dần, hành vi này sẽ hình thành cho trẻ một lối suy nghĩ sai lầm. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình chỉ cần tỏ ra yêu đuối, cả thế giới xung quanh sẽ phải đảm bảo những thứ chúng muốn.
- Đừng chiều đứa trẻ ích kỷ:
Những đứa trẻ ngoan là người biết cách nhường nhịn và quan tâm người xung quanh đúng lúc, đúng chỗ. Đối với con, cha mẹ luôn sẵn sàng dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Khi con còn nhỏ, con chưa đủ nhận thức để hiểu những đặc quyền ấy quý giá nhường nào.
Cũng vì thế, con sẽ dần hình thành suy nghĩ bố mẹ và người lớn phải có nghĩa vụ chiều chuộng mình. Nếu suy nghĩ này không được thay đổi, dần dần con sẽ đánh mất chính mình, thậm chí trở thành người vô ơn và và bất hiếu khi trưởng thành.
Nguồn: Sohu