Bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan
Sáng 8/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phần thẩm vấn và xét hỏi các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.
Tại tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hành vi và tội danh nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong cáo trạng tương ứng phù hợp với lời khai báo tại Cơ quan điều tra.
Song, bị cáo Nhàn cũng bổ sung thêm lời khai so với nội dung đã trình bày ở Cơ quan điều tra và đã được kết luận điều tra ghi nhận là bị cáo đã nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, nhưng vẫn giữ nguyên chưa sử dụng.
Theo bị cáo Nhàn, trong suốt thời gian thanh tra, bị cáo không nhận bất cứ quà gì từ phía SCB. Sau khi bị cáo đã hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, có báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB thì bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB đưa tiền cho bị cáo. Bị cáo Nhàn nói không lấy thì Văn nói “đừng làm khó người cũng như làm khó chính mình”. “Bị cáo nghe nói bạn của Văn là Công an nên bị cáo rất sợ, đã nhiều lần bị cáo liên hệ với bị cáo Văn để trả lại tiền nhưng không được”, Đỗ Thị Nhàn trình bày.
Về hành vi sửa báo cáo kết quả thanh tra, bị cáo Nhàn khai làm việc “theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng” (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước). Bị cáo Hưng là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của Đoàn Thanh tra tại SCB. Trong vụ án, bị cáo Hưng cũng bị cáo buộc nhận 390.000 USD của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Nhàn trình bày, khi nhận được giấy triệu tập của Văn phòng Chính phủ, Nhàn nói với Nguyễn Văn Hưng đã có 3 tờ trình xin ý kiến lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước. Theo kết quả thanh tra, SCB đã rơi vào nhóm 3 - 5, Hưng chỉ đạo chỉnh SCB vào nhóm 1. Bị cáo Nhàn chỉ sửa bổ sung vào phần nhận xét đánh giá trong kết luận thanh tra của báo cáo đợt 1 năm 2018 theo chỉ đạo của Hưng nhưng vẫn bảo lưu kết quả thanh tra, vẫn phản ánh SCB là “ngân hàng rất xấu”.
Tuy nhiên, theo Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù kết quả thanh tra có phản ánh SCB là ngân hàng xấu như lời bị cáo khai, nhưng sau khi sửa đã không phản ánh hết cái xấu, không đúng với thực tế khách quan, nếu không SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ trước. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đồng ý quan điểm này.
Theo cáo trạng, trong quá trình Ngân hàng Nhà nước thanh tra tại SCB 2 lần vào năm 2017 và 2018, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn Thanh tra là Đỗ Thị Nhàn; đồng thời chỉ đạo cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng.
Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ về các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Đến nay, Đỗ Thị Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Phiên tòa sáng 8/3 còn xét hỏi nhóm bị cáo thuộc các công ty thẩm định giá bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng... để phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của bị cáo Trương Mỹ Lan, giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền lớn.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện các khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng chỉ đạo Lê Anh Phương; Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn và Lê Văn Chánh, phối hợp với Nguyễn Phương Anh, sau đó trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.
Các công ty thẩm định giá và cá nhân môi giới, trung gian biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn nhưng quá trình thực hiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không tiến hành thẩm định giá, mà chỉ ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của Ngân hàng SCB; không tuân thủ đúng các quy trình, quy định về định giá; các tài sản chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn thẩm định giá theo yêu cầu của SCB…
Bị cáo Trần Văn Nhị, cựu Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng kiểm toán và định giá ATC là người môi giới thẩm định giá tài sản cho Ngân hàng SCB. Bị cáo này cho biết, do có mối quan hệ quen biết từ trước nên bị cáo được Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá để thẩm định giá tài sản đảm bảo cho Ngân hàng SCB.
Năm 2020, Dung yêu cầu Nhị liên hệ, thỏa thuận với bị cáo Trần Thị Kim Ngân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định giá Thiên Phú để phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống nhiều lần giá trị tài sản của các tài sản là Dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án 100 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Công ty Thiên Phú xác định Dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở có trị giá 151.505 tỷ đồng, còn Dự án 100 Hùng Vương có trị giá 4.427 tỷ đồng. Từ đó, SCB sử dụng 2 chứng thư trên để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 105.656 tỷ đồng, rút ra cho bị cáo Lan sử dụng.
Các hành vi của Trần Văn Nhị và Trần Thị Kim Ngân đã khiến tổng dư nợ các khoản vay trên tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 127.000 tỷ đồng, thiệt hại cho ngân hàng SCB hơn 110.000 tỷ đồng.
Bị cáo Nhị khai, mỗi hồ sơ thẩm định nhận từ Ngân hàng SCB khoảng 1 - 2 tỷ đồng phí thẩm định giá. Số tiền này Nhị trích 600 triệu đồng đưa cho Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú của Trần Thị Kim Ngân và đưa một phần cho bị cáo Bùi Ngọc Sơn, cựu nhân viên Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB.
Bị cáo Trần Thị Kim Ngân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú cho rằng lời khai của bị cáo Nhị có chỗ chưa chính xác vì bị cáo Ngân chỉ nhận được 300 triệu đồng tiền tạm ứng phí thẩm định giá.
Ngân còn khai bản thân bị cáo chỉ làm theo tiến độ, giá và thời gian phát hành do Nhị yêu cầu. Về phí thẩm định giá thì hồ sơ thu phí cao nhất cho dự án Mũi Đèn đỏ là 300 triệu, phí hồ sơ thấp nhất chỉ 5 triệu.
Bị cáo Trần Tuấn Hải, cựu nhân viên thẩm định giá Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú khai, bị cáo thực hiện chỉ đạo của Trần Thị Kim Ngân, từ tháng 8 - 12/2020 đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày phát hành chứng thư để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khách hàng. Bị cáo Hải trình bày bản thân chỉ làm công ăn lương cho bị cáo Ngân, hưởng lương 15 triệu/tháng. Bị cáo nhận thức được được các hồ sơ ký là rất rủi ro nhưng do Công ty cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên ký theo chỉ đạo của Ngân.
Bị cáo Hồ Bình Minh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá MHD (Công ty MHD) khai đã thỏa thuận thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung và Bùi Ngọc Sơn để Công ty MHD phát hành chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản, phát hành lùi ngày chứng thư để SCB đưa vào hợp thức 2 hồ sơ vay vốn. Đến ngày 17/10/2022, các khoản vay khống để rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng nêu trên còn dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hồ Bình Minh còn soạn thảo báo cáo, chứng thư thẩm định giá được nâng khống giá trị tài sản để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới phát hành chứng thư thẩm định giá, giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm hợp thức hồ sơ vay của 3 khách hàng, có dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là 15.000 tỷ đồng. Hành vi của Hồ Bình Minh đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 11.000 tỷ đồng.
Các bị cáo Lê Huy Khánh (cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới); Đỗ Xuân Nam (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ Bất động sản DATC) và Lê Kiều Trang (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá EXIM) tại tòa đều thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo này cho biết đã ký, phát hành các chứng thư thẩm định giá các tài sản cao hơn giá trị thực tế của các tài sản đảm bảo, ghi lùi ngày phát hành chứng thư để Ngân hàng SCB sử dụng phục vụ việc giải ngân vốn vay cho khách hàng. Số tiền phí thẩm định giá các bị cáo được nhận từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.