Bí ẩn Cành cọ bằng vàng 24 carat của LHP Cannes
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ điều khiến người ta nhớ nhất về Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes chính là biểu tượng cành cọ làm bằng vàng 24 carat dành cho tác phẩm điện ảnh và những cá nhân xuất sắc nhất.
- LHP Cannes 2018: đã thực sự thay đổi?
- Khai mạc LHP Cannes lần thứ 71: Vẫn có ‘kẻ’ phá lệnh cấm chụp ‘tự sướng’
- Những bộ phim thắp sáng cuộc đua Cành cọ vàng của LHP Cannes 2018
Biểu tượng cành cọ đã xuất hiện trên những tài liệu chính thức của LHP phim Cannes từ năm 1939. Tuy nhiên, năm 1955 biểu tượng này mới được chọn là cúp dành cho bộ phim hay nhất của lễ hội điện ảnh quốc tế uy tín bậc nhất thế giới (khi ấy trao cho bộ phim Marty của đạo diễn Delbert Mann), để thay thế cho giải Grand Prix (giải thưởng lớn).
Trên thực tế, cành cọ là biểu tượng của thành phố Cannes tại Pháp. Nó xuất hiện trên huy hiệu, và gắn liền với một câu châm ngôn của người dân địa phương: "Cành cọ là niềm tự hào của kẻ chiến thắng". Theo truyền thuyết, Thánh Honora đã từng trèo lên cây cọ để cầu xin Chúa trời tiêu diệt những con rắn độc trên hòn đảo nhỏ nhất của quần đảo Lerins (thuộc Cannes). Chúa đã lắng nghe và tạo ra một cơn sóng cực mạnh, cuốn trôi những con rắn còn sót lại trên đảo.
Ngày nay, ta vẫn có thể tìm thấy một tu viện mang tên thánh Honora trong vịnh Cannes được đặt tên để tỏ lòng biết ơn tới vị thánh này. Trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, cành cọ cũng là biểu tượng của chiến thắng và thiên đường. Chính bởi vậy, Ban tổ chức LHP Cannes đã quyết định lấy hình ảnh giàu ý nghĩa này làm biểu tượng cho bộ phim xuất sắc nhất.
Cành cọ Vàng đã trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc phải ngừng trao và thay thế do vấn đề bản quyền. Biểu tượng này đã từng có rất nhiều mẫu thiết kế khác nhau và hoàn thiện dần theo từng giai đoạn. Hình ảnh Cành cọ Vàng như chúng ta thấy ngày nay do bà Caroline Scheufele - Chủ tịch tập đoàn trang sức Chopard của Thụy Sĩ - thiết kế năm 1997. 19 chiếc lá cọ được làm thủ công bằng vàng 24 carat, chạm khắc tinh tế và uốn cong một cách khéo léo trước khi đính lên một giá đỡ bằng pha lê.
Quá trình tạo tác bức tượng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của các thợ kim hoàn lâu năm nhất. Thông thường sẽ chỉ có 1 cành cọ lớn cho đạo diễn, và 2 cành cọ nhỏ hơn cho nam và nữ diễn viên xuất sắc tại mỗi kỳ LHP. Tuy nhiên, nhà sản xuất luôn chuẩn bị ít nhất một tượng vàng dự phòng trong trường hợp có bất kì sự cố nào hoặc có hai bộ phim đồng giải thưởng. Các giải thưởng cũng chỉ được đưa tới nơi diễn ra sự kiện ngay trước buổi lễ bế mạc vì lý do an ninh.
Việc lựa chọn ra bộ phim hay nhất đoạt giải Cành cọ Vàng cũng là một quy trình rất phức tạp. Hội đồng Ban giám khảo chấm giải gồm 9 thành viên. Họ phải tuyên thệ không được tiết lộ bất cứ thông tin nào về quá trình đánh giá các tác phẩm điện ảnh để tránh sự soi xét của giới truyền thông.
Các thành viên trong Ban giám khảo sẽ dành 4 - 5 tiếng/ngày để tập trung nghiên cứu các tác phẩm và hoàn toàn không được tiếp xúc với những ý kiến phê bình, đánh giá, dự đoán liên quan đến kết quả của giải thưởng này.
Họ sẽ liên tục phải họp kín và tranh luận về các bộ phim để từ đó chọn ra cái tên xuất sắc nhất cho giải Cành cọ Vàng. Chủ tịch Ban giám khảo sẽ có trách nhiệm điều phối các hoạt động chung cho cả hội đồng, bao gồm sắp xếp các cuộc họp và đảm bảo các hoạt động diễn ra thật sự hiệu quả.
TTXVN