Bệnh thủy đậu bùng phát mạnh tại Hà Nội, sắp chạm ngưỡng 1.000 ca: Làm gì để phòng tránh?
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua Thủ đô ghi nhận thêm 185 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng so với tuần trước.
Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục ghi nhận một số chùm ca bệnh tại trường học: Trường Tiểu học Vân Hòa, Ba Vì (17), trường mầm non Phú Đô, Nam Từ Liêm (18), trường Tiểu học Dân Hòa, Thanh Oai (9), trường mầm non Yên Trung, Thạch Thất (12).
Cộng dồn từ đầu năm 2023, Hà Nội có 985 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng như: tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6), virus Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Theo phân loại của Bộ Y tế thủy đậu nằm trong nhóm 9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B cùng với bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, bệnh than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, quai bị.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mùa Đông và đầu Xuân là thời điểm thuận lợi để virus gây bệnh thủy đậu phát triển. Bệnh không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng có nguy cơ mắc cao.
Thủy đậu lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.
Bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do đó, thủy đậu được xem là một trong những bệnh dễ lây lan nhất.
Bệnh lành tính, bệnh nhân thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp thủy đậu ở trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi hoặc để lại các di chứng khác, thậm chí có thể gây tử vong.
Tùy vào mức độ mắc bệnh, đã được tiêm phòng hay chưa và sức đề kháng của trẻ, các biến chứng có thể xảy ra nhiều hay ít. Nếu phát hiện trẻ phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, trường hợp đã mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc đã tiêm phòng, người dân không cần phải lo lắng.
Trong khi đó, người nhạy cảm (chưa từng mắc thủy đậu) được khuyến cáo nên chủng ngừa thủy đậu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với virus.
Các bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu người dân được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm.
Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ kê thì việc chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng.
Nếu tổn thương da không được chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể tăng nguy cơ bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không cần hạn chế tắm rửa, ngược lại, người bệnh càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người mắc thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi và uống nhiều nước.