Bệnh nhân phi công người Anh nhắn nhủ mọi người 'không được chủ quan' với virus SARS-CoV-2
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khoảng 4 tháng được các bác sĩ Việt Nam tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tận tình cứu chữa khỏi căn bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Stephen Cameron - bệnh nhân nặng nhất ở Việt Nam được biết đến với cách gọi bệnh nhân 91, đã trở về quê hương Scotland, Vương quốc Anh.
Giờ đây, trên giường bệnh của một bệnh viện tại Wishaw, phi công 42 tuổi này đã kể lại với phóng viên của hãng tin BBC News (Anh) những ký ức ngày đó và không quên đưa ra lời cảnh báo mọi người tuyệt đối “không thể chủ quan” với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Cameron là phi công làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 3. Bệnh tình của phi công người Anh này đã chuyển biến nặng khi anh phải trải qua hơn 2 tháng vật lộn để giành giật sự sống. Anh đã có 68 ngày thở máy, hầu hết trong số đó anh phải phụ thuộc vào ECMO, một hình thức hỗ trợ sự sống chỉ được dùng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.
- Bệnh nhân phi công người Anh đủ điều kiện chuyển viện an toàn vào ngày 12/7
- Phi công người Anh mắc COVID-19 dự kiến về nước ngày 12/7
Cameron may mắn thoát khỏi việc phải phẫu thuật ghép phổi, sau khi chức năng của cơ quan này chỉ còn dưới 10%. Ngoài ra, bệnh nhân phi công còn gặp phải chứng suy đa tạng, sụt mất 30kg trong quá trình hôn mê, và hiện tại đang rất vất vả mới có thể bước đi, dù đã trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng nâng cao.
Tự ví mình là “bệnh nhân nặng nhất châu Á” và là minh chứng sống cho thấy cho thấy sức tàn phá khủng khiếp mà virus SARS-CoV-2 có thể gây ra, Cameron nhấn mạnh không nên đánh giá thấp những hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra và mọi người dân không nên lơ là cảnh giác cho tới khi dịch bệnh nguy hiểm này được hoàn toàn loại bỏ.
Anh trải lòng: "Khi mới tỉnh dậy, tôi đã nghĩ liệu mình có thể đi lại như trước? Tôi còn không biết rằng liệu mình có phải nằm một chỗ cả đời vì khi đó không thể cảm nhận được đôi chân, và cũng chẳng rõ liệu đây có phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp phi công của mình".
Cameron chia sẻ mục tiêu của anh là quay trở lại làm việc vào đầu năm sau. Tuy nhiên, quá trình phục hồi sẽ còn là một chặng đường dài, trong khi công việc của anh cũng chưa chắc được đảm bảo do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Bác sĩ Manish Patel - chuyên gia tư vấn hô hấp và là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhân phi công kể từ ngày anh trở về Scotland hôm 12/7, chia sẻ: "Người ta ví việc phải vào ITU (phòng chăm sóc đặc biệt) giống như một cuộc đua marathon. Trong trường hợp của Cameron, tôi nghĩ anh ta phải chạy rất nhiều vòng". Bác sĩ Patel đánh giá việc Cameron còn sống được sau khoảng thời gian dài hôn mê và được các bác sĩ Việt Nam cứu chữa thực sự là một điều hiếm có. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng cho rằng Cameron sẽ cần thời gian dài để bình phục hoàn toàn.
Hãng tin BBC mô tả Cameron tưởng như đã tiến rất gần cửa tử khi phải vào phòng chăm sóc tích cực trong một thời gian dài. Nỗ lực giữ cho anh sống sót và tránh được ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam là thành quả của các bác sĩ giỏi nhất của Việt Nam.
Câu chuyện của Cameron đã thu hút sự chú ý của truyền thông Việt Nam và cả quốc tế. Trước ngày Cameron rời khỏi giường bệnh và trở về nước vài tuần, hàng trăm phóng viên và công chúng đã theo dõi về hành trình giành lại sự sống của anh. Sau khi Cameron trở về Anh Quốc, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã gửi lời tri ân đến Chính phủ Việt Nam vì đã tận tâm điều trị cho 20 bệnh nhân quốc tịch Anh trong quá trình lưu trú, trong đó có nam phi công Cameron.
Phương Oanh/TTXVN