Bên trong những chiếc tàu lặn hạng sang được đạo diễn James Cameron rót vốn đầu tư, một khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam cũng đã sắm một chiếc
Đạo diễn loạt phim Avatar dường như có niềm đam mê bất tận với biển sâu và ông đã đầu tư vào một công ty chuyên sản xuất tàu để lặn biển cho giới siêu giàu.
Vào tháng 12 năm ngoái, công ty Triton Submersibles thông báo rằng tỷ phú Ray Dalio của công ty quản lý đầu tư Bridgewater và nhà làm phim Hollywood James Cameron đều đang nắm giữ cổ phần trong công ty.
Thông báo được đưa ra tại một sự kiện kỷ niệm 10 năm chuyến thám hiểm “Thách thức Biển sâu” (Deepsea Challenge) của Cameron, cũng là lần thứ hai trong lịch sử con người thực hiện chuyến đi đến điểm sâu nhất thế giới được biết đến.
Đây không phải là lần đầu tiên hai người này làm việc cùng nhau. Vào năm 2021, National Geographic đã công bố một bộ phim tài liệu có tên là "OceanXplorers" do Cameron và Dalio sản xuất. Tuy nhiên chương trình vẫn chưa được phát sóng.
Người đồng sáng lập công ty Triton, Patrick Lahey, nói rằng ông quen biết người tạo ra loạt phim "Avatar" từ năm 2001. Thậm chí Lahey đã giúp Cameron có một bộ tàu lặn - những chiếc tàu thủy nhỏ dưới nước - cho bộ phim tài liệu "Những sinh vật lạ dưới đáy biển” (Aliens in the Deep), bộ phim khám phá những lỗ thông hơi nhiệt dưới đáy đại dương, vốn được biết đến là nơi trú ngụ của những sinh vật biển khác thường.
"Anh ấy là một người thực sự yêu đại dương giống như tôi", Lahey nói.
Chủ của công ty sản xuất các thiết bị lặn biển này cho biết ông bị đại dương mê hoặc từ thời niên thiếu. Ông đã học cách lặn biển năm 13 tuổi và theo học trường lặn thương mại khi bước sang tuổi 18. 26 năm sau, ông thành lập Triton Submersibles cùng với một đối tác kinh doanh.
Năm 2010, Lahey phát triển mối quan hệ kinh doanh với Dalio khi ông chế tạo một chiếc tàu ngầm cho vị tỷ phú thông qua Triton Submersibles. Dalio là đồng sáng lập OceanX, một sáng kiến từ thiện về khám phá đại dương, vào năm 2018. Một năm sau, ông mua chiếc tàu ngầm thứ hai của mình từ Triton.
Lahey nói rằng Dalio đã giúp công ty vượt qua những thách thức kỹ thuật, thứ có thể trở thành ảnh hưởng đến sự tồn tại đối với công ty vào năm 2012. Vào thời điểm đó, Dalio đã đề nghị cho công ty một khoản vay để giúp công ty khắc phục các vấn đề sản xuất với cấu trúc acrylic.
Đến nay, công ty đã bàn giao 25 tàu ngầm.
Triton đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong những năm gần đây, từ chế tạo một đến hai tàu mỗi năm lên bốn đến sáu chiếc. Ông kỳ vọng công ty sẽ sớm mở rộng quy mô sản xuất để đạt công suất từ 10 đến 12 chiếc/năm.
"Nhưng chúng vẫn được sản xuất cực kỳ hạn chế", ông nói. "Đây không phải là một sản phẩm dành cho thị trường đại chúng".
“Các tàu ngầm cực kỳ linh hoạt và gần như có thể xác định cấu hình vô hạn, vì vậy chúng tôi đưa các công cụ và thiết bị riêng biệt vào một tàu ngầm để đáp ứng các sở thích cụ thể của từng khách hàng”, ông nói thêm. "Một số khách hàng của chúng tôi chỉ quan tâm đến việc khám phá và vui chơi. Những người khác muốn quay phim, vì vậy họ cần có máy quay và hệ thống chiếu sáng phức tạp hơn. Những người khác, như Dalio, quan tâm đến khoa học nên chúng tôi cần đảm bảo rằng nó có các công cụ khoa học hợp pháp để lấy mẫu và thu thập thông tin."
Giá cho các tàu ngầm dao động từ 2,5 triệu USD đến cao nhất là 40 triệu USD.
Hầu hết các tàu lặn có giá từ 3,5 triệu đến 7 triệu USD, theo Lahey. Ông cho biết giá cả phụ thuộc vào kích thước của tàu ngầm và độ sâu mà chúng có thể lặn.
Chiếc tàu ngầm nhỏ nhất của công ty chỉ chở được một người, trong khi chiếc lớn nhất có thể chở tới 66 người. Triton có các tàu ngầm được thiết kế để lặn nông, cũng như các tàu lặn sâu có thể di chuyển hết độ sâu của đại dương trong khoảng ba giờ.
Vào năm 2019, Vescovo, một nhà thám hiểm đã hoàn thành năm lần lặn một mình ở Rãnh Mariana bằng cách sử dụng con tàu mang tên DSV Limiting Factor (Hệ số giới hạn) của Triton. Dòng tàu ngầm này có khả năng chạm tới hầu như toàn bộ đáy của các đại dương trên thế giới.
Ngoài việc thám hiểm biển sâu, các tàu ngầm còn có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
Năm ngoái, khu nghỉ dưỡng Vinpearl tại Nha Trang, Việt Nam đã khai trương một điểm tham quan du lịch bằng cách sử dụng tàu lặn Triton. Thiết bị này được Lahey gọi là "về cơ bản là một chiếc xe buýt có thể đi dưới nước."
Mang tên DeepView 24, nó là một con tàu lặn có thể chở 24 người, với thân tàu hoàn toàn trong suốt, mang đến cho khách du lịch một trải nghiệm tuyệt vời để xem các con tàu đắm cũng như rạn san hô và sinh vật biển.
Lahey cho biết những người mua điển hình của công ty là những người đam mê du thuyền.
"Chủ sở hữu du thuyền nói chung là những người quan tâm đến đại dương", Lahey nói. "Họ thích đi nhiều nơi và trải nghiệm những điều mới, và không gì bằng nhìn đại dương từ góc nhìn của một chiếc tàu lặn."
Trong khi Lahey cho biết việc vận hành tàu lặn tương đối đơn giản, công ty này vẫn có một quá trình đào tạo lâu dài cho người sử dụng.
Khi tàu sắp đến ngày giao hàng, công ty sẽ mở lớp dạy cho chủ sở hữu hoặc một nhân viên của chủ sở hữu (trường hợp này xảy ra nhiều hơn) cách vận hành con tàu.
Về cơ bản, để lái tàu lặn bạn không cần phải có các kỹ năng như một thủy thủ vận hành tàu ngầm. Nhưng để kiểm soát nó một cách lành nghề, cần có khả năng xác định các vấn đề và khắc phục chúng, theo Lahey.
Trong những tuần cuối cùng trước khi một chiếc tàu lăn được giao, nhóm của Lahey sẽ hướng dẫn người điều hành mới cách tháo rời các bộ phận của tàu ngầm. Đội cũng sẽ đưa chúng lên khỏi mặt nước để kiểm tra sau 15 đến 20 lần lặn.
Mặc dù công ty Triton khá nổi tiếng trong giới siêu giàu, nhưng tuyên bố sứ mệnh của công ty lại tập trung vào tầm quan trọng của việc khám phá đại dương.
Lahey nói rằng cấu trúc acrylic đặc biệt của công ty cho phép mọi người nhìn vào "một thế giới khác".
"Cảm giác đó thực sự đắm chìm. Bạn thực sự cảm thấy như mình đang ở trong thế giới đó", ông nói. "Bạn cảm thấy như mình có thể với tay và chạm vào những con vật bên ngoài thân tàu hoặc chúng có thể bơi vào khoang nơi mà bạn đang ở."
Tham khảo BI