Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Bên hành lang Kỳ họp, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, làm rõ những kết quả đạt được đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao trong bối cảnh kinh tế thế giới có những tác động không thuận lợi vào Việt Nam nhưng tốc độ tăng GDP cả năm vẫn đạt trên 6,8%. Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam liên tục xuất siêu khi trong 4 năm qua, xuất siêu tới 19 tỷ USD nhưng chỉ tiêu Chính phủ đưa ra cho kế hoạch năm 2020 vẫn là nhập siêu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 70% đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố thiếu bền vững vì nếu xảy ra khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế, dòng vốn này sẽ chảy ngược. Do đó, các đơn vị phải chủ động phát triển thị trường trong nước, hướng tới không chỉ "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà nâng lên "người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam", đặc biệt chú ý đến thu nhập người dân đã có sự cải thiện đáng kể, chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng cho người Việt Nam về giá cả, mẫu mã... "Chính phủ, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm đến thị hiếu của người Việt Nam đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo tính bền vững trong xu thế chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch của các nước đang gia tăng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề đầu tư công, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, có những tỉnh, dự án mới giải ngân được 19-20% kế hoạch. Điều này gây cản trở đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đó là do thủ tục để triển khai, thực hiện các dự án nhất là dự án vốn nước ngoài rất phiền hà, thậm chí có thể mất 2-3 năm mới hoàn thành. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, khi xảy ra các vấn đề ngoài kế hoạch, việc điều chỉnh, bổ sung phải trải qua nhiều thủ tục. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật chưa thống nhất khiến các cơ quan chức năng "không dám làm, không dám quyết".
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị giảm bớt thủ tục trong quy trình thực hiện các dự án; sửa đổi, điều chỉnh các văn bản pháp luật đảm bảo sự thống nhất. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng, từng văn phòng, từng cá nhân phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiến hành dự án, tránh những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá, thời gian qua, đời sống người dân vùng ven biển còn nhiều khó khăn. Tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở… không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất mà còn đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ, vấn đề này chưa được đề cập thỏa đáng. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị, trong năm 2020, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế biển, đặc biệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, khu neo đậu, tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người dân.
Phan Phương/TTXVN