Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024: Trao 116 huy chương cho vở diễn, nghệ sĩ xuất sắc
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 vừa chính thức bế mạc tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ.
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ tổ chức.
Như tin đã đưa, Liên hoan có sự tham dự của 29 đơn vị nghệ thuật Cải Lương toàn quốc, trong đó có 11 đơn vị nghệ thuật công lập và 18 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa với 33 vở diễn đã quy tụ trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Các tác phẩm sân khấu dự thi vừa tôn vinh giá trị truyền thống, vừa thể hiện sự sáng tạo và đổi mới trong cách dàn dựng và biểu diễn.
Những vở diễn dự thi có chủ đề sâu sắc, từ truyền thuyết, lịch sử, văn hóa dân tộc đến các vấn đề hiện đại, xã hội đương thời. Liên hoan đã thực sự trở thành nơi giao lưu, học hỏi, và cống hiến của các nghệ sĩ cải lương, đồng thời là dịp để quảng bá, đưa cải lương đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Năm nay, Hội đồng nghệ thuật của liên hoan gồm 7 thành viên là những nghệ sĩ gạo cội, nhà nghiên cứu và nhà văn, họa sĩ giàu kinh nghiệm. Sự hiện diện của Hội đồng nghệ thuật với những cái tên uy tín là bảo chứng cho chất lượng và sự minh bạch của các giải thưởng được trao.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – nhận xét: Đây là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát hiện, tôn vinh những tác phẩm, vở diễn và những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật của sân khấu Cải lương; đồng thời là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị các cơ quan liên quan, trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu nói chung và sân khấu Cải lương nói riêng để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên làm lực lượng nòng cốt kế thừa và phát triển sân khấu Cải lương sau này; cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng một cách đồng bộ hơn nữa cả về con người và vật chất để tạo ra các tác phẩm, vở diễn có chất lượng hơn về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
Nếu so với Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2022 tại Long An, thì số đơn vị tham dự liên hoan và vở diễn dự thi nhiều hơn. Trong 33 vở diễn, có 2 vở diễn đề tài danh nhân văn hóa nghệ thuật dân tộc; 11 vở diễn đề tài lịch sử; 7 vở diễn đề tài chiến tranh Cách mạng và 13 vở diễn đề tài đương đại. Điều đó chứng tỏ, đề tài được khai thác qua các vở diễn tại Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024 rất phong phú và đa dạng về phong cách thể hiện.
Tác giả Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - nhận định: Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024 đã xuất hiện nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao; chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc; được chuyển tải qua những nội dung hấp dẫn: tập trung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu thương giữa những con người; đó còn là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha ta trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; ngợi ca những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Mỗi vở diễn như một đóa hoa với những sắc màu tươi tắn, khác lạ, rất khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ lạ kỳ, riêng biệt của sân khấu kịch hát Cải lương.
Kết quả, BTC đã quyết định trao Huy chương Vàng cho 4 vở diễn xuất sắc nhất, gồm: Xuân Hương nữ sĩ (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Chất ngọc - Cầm thi giang (Nhà hát Tây Đô); trao 8 Huy chương Bạc cho các vở diễn khác; đồng thời trao 41 Huy chương Vàng, 63 Huy chương Bạc cho các diễn viên...