Bé 4 tuổi rơi từ tầng 7 chung cư: Báo động tai nạn chết người rình rập trẻ ngày hè
(Thethaovanhoa.vn) - Một bé gái 4 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh rơi từ tầng 7 chung cư xuống nền xi-măng nhưng may mắn được các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống một cách kỳ diệu. Đây cũng là một trong những tai nạn thương tích điển hình mà các bác sỹ cảnh báo các bậc phụ huynh cần để mắt đến con mình, nhất là trong những ngày hè.
- 7 bệnh nhi sơ sinh từ Bắc Ninh chuyển lên không còn phải thở máy
- Bệnh nhi 8 tuổi đứt dây thần kinh, teo chân do bác sĩ để sót dị vật
Bé gái thoát chết hy hữu khi rơi từ tầng 7 xuống đất
Chiều 6/7, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngày 26/6, một bé gái 4 tuổi ngụ Thành phố Hồ Chí Minh được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, chảy nhiều máu, gãy tay, có vết thương hở ở chân, chướng bụng, tri giác không ổn định... do té ngã từ tầng 7 một chung cư xuống đất. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, bệnh nhi có máu tụ dưới màng cứng và xuất huyết vùng hố sau, chấn thương dập gan, xương cánh tay trái gãy hở độ 3, tổn thương động mạch cánh tay trái nên các bác sỹ quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.
Do bệnh nhi bị đa tổn thương nặng nề, men gan tăng cao, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên quá trình phẫu thuật trong đêm diễn ra vô cùng căng thẳng. Ca phẫu thuật diễn ra khẩn trương trong vòng một giờ và sau đó bệnh nhi đã được đưa về Khoa hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị bảo tồn các tổn thương ở vùng đầu, gan. Đến ngày 6/7, bệnh nhi đã tỉnh táo và được xuất viện.
Được biết, đây là trường hợp trẻ em bị tai nạn sinh hoạt khá hy hữu được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ trước đến nay. “May mắn là khi ngã từ tầng 7 đến tầng 1 thì có một tấm chắn nên bé không bị rơi thẳng xuống đấy. Nếu như rơi thẳng xuống thì từ lầu 3 thôi là đã khó sống sót rồi”, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng nhận định.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một bé trai 33 tháng tuổi từ tỉnh Bình Thuận với vết thương sọ não ở trán do trúng đạn bi của súng tự chế. Viên bi bay thẳng vào trán, xuyên sâu vào bên trong làm vỡ xương sọ, một mảnh xương đã đâm vào nhu mô não khiến màng cứng bị rách, chảy dịch não tủy. Các bác sỹ đã mổ khẩn để lấy viên bi ra ngoài, cứu sống bệnh nhi.
Hay như một bệnh nhi 1 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Dương cũng được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch vì bị điện giật. Được biết, em bé này bị điện giật do trụ điện trước sân nhà bị rò rỉ điện. Bệnh nhi bị hôn mê sâu, tổn thương tim, tổn thương cơ vân nặng, được cho thở máy, truyền thuốc vận mạch hỗ trợ tim, chống phù não và sử dụng kháng sinh.
Cũng theo bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận điều trị 656 ca trẻ em gặp tai nạn sinh hoạt, trong đó có 54 ca bị chấn thương đầu sọ não và nguyên nhân do té ngã chiếm tỷ lệ cao.
Cẩn trọng với tai nạn thương tích trẻ em
Thống kê của Bộ Y tế trong năm 2017, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích, chủ yếu là tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng... Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250 - 300 trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi. Ngoài ra hàng ngàn trẻ em cũng bị thương tật vĩnh viễn do các tai nạn gây ra. Đặc biệt, mùa hè là thời điểm các tai nạn thương tích càng phổ biến.
Bác sỹ Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, mùa hè là mùa xảy ra nhiều tai nạn sinh hoạt, tai nạn thương tích cho trẻ em bởi đây là thời gian trẻ không đến trường, phần lớn thời gian là ở nhà hoặc đi chơi. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không có thời gian chăm sóc, để ý đến trẻ, do đó trẻ dễ bị tai nạn thương tích nhiều hơn. Trong thời gian hè, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 6 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích. Đa số trẻ bị tai nạn là do ngã từ trên cao xuống, ngạt nước, ngộ độc, điện giật, bỏng, bị vật nhọn đâm, động vật cắn… “Mỗi loại tai nạn sẽ gây ra cho trẻ những tổn thương khác nhau nhưng hậu quả đối với trẻ em là rất nặng nề. Nhẹ thì phải chịu đau, nhập viện, nặng thì để lại tàn tật suốt đời”, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ.
Điển hình như mới đây, một bé 7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng cánh tay trái bị đứt lìa. Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc gia đình đang vận hành máy cưa gỗ thì bé chơi trốn tìm cùng bạn bất ngờ ngã vào máy cưa, do không thể nối lại được phần cánh tay bị đứt lìa, các bác sỹ đã phải cắt lọc phần da thịt tổn thương và đóng mỏm cụt ở vai cho trẻ. Dù tình trạng bệnh nhi đã ổn định và xuất viện nhưng sau khi em tỉnh lại đã có những bất ổn về tâm lý khi đột ngột mất đi một cánh tay.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn thương tích thường để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em như tổn thương tại chỗ, tổn thương não có thể dẫn đến sống đời sống thực vật suốt đời, ngưng tim, ngưng thở và thậm chí tử vong. Ở lứa tuổi từ 2-12 tuổi, trẻ rất hiếu động, không có khả năng tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm. Khoảng 70% các ca tử vong và 57% số ca bị thương của của trẻ dưới 2 tuổi có thể phòng chống được nếu người lớn cẩn trọng hơn.
Do vậy, bác sỹ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phụ huynh cần cẩn trọng với những tai nạn có thể rình rập trẻ, nhất là trong những ngày hè. Phụ huynh cần loại bỏ tối đa những vật có thể gây tai nạn nguy hiểm cho trẻ trong gia đình, thường xuyên để mắt, theo sát mọi hoạt động của trẻ; đồng thời cần giáo dục để trẻ biết những mối nguy hiểm có thể gây hại cho bản thân như tuân thủ luật giao thông, không được leo trèo, nghịch phá tổ ong, không đi bơi ở ao hồ, không đùa nghịch với lửa, rắn, vật nuôi…
TTXVN/Đinh Hằng