Bayern Munich: Đừng nên gọi Pep là 'nhà sáng chế'?
(Thethaovanhoa.vn) - Tên tuổi của Pep Guardiola vẫn được gắn liền với tiki-taka với tư cách là người phát triển lối chơi này. Nhưng thật ra, Pep chỉ tiếp thu những gì những các tiền bối đã từng tạo ra.
"Barcelona đã báo hiệu một cuộc cách mạng dân chủ trong thể thao. Họ đã cho thấy qua thành công của mình, rằng những phẩm chất để một cầu thủ vươn lên đỉnh cao là kỹ thuật và trí thông minh với quả bóng. Thể hình không quan trọng, cũng như các vị trí của họ trên sân. Hạt giống của tất cả những điều này là "bóng đá tổng lực" của Ajax Amsterdam, được sáng tạo bởi một trong những triết gia của môn thể thao này, Rinus Michels. Môn đệ ưa thích của ông, Johan Cruyff, đã mang nó đến Barcelona, đầu tiên là với tư cách cầu thủ và sau đó là nhà quản lý. Phiên bản hoàn thiện của lối chơi đó, được tạo ra sau quá trình chưng cất tinh khiết tư tưởng của Michels, chính là những gì chúng ta đang chứng kiến hiện tại. Những gì mà "Pep Team" thể hiện còn hơn cả bóng đá tổng lực; đó là bóng đá tuyệt đối".
Tiki-taka hay sự kế thừa của bóng đá tổng lực?
Đó là 1 đoạn trong bài viết trên Telegraph cách đây 3 năm, về Barca của Pep. Bài báo này cũng như nhiều tư liệu khác nữa đã nhấn mạnh 2 điểm cốt yếu trong triết lý của bóng đá tổng lực được Pep vận dụng vào lối chơi của Barcelona sau này: 1) Những đường chuyền mang thông điệp; 2) Nghệ thuật tận dụng không gian trên sân.
Với vế thứ nhất Cruyff từng đúc kết thế này: Kỹ thuật nghĩa là chuyền bóng với một cú chạm, với tốc độ hợp lý, vào đúng chân thuận của đồng đội, và một đường chuyền như thế chính là điều khó thực hiện nhất trong bóng đá. Với vế thứ hai bóng đá tổng lực đúc kết rằng nghệ thuật chiến thắng đơn giản là mở rộng tối đa không gian chơi bóng của mình và bóp chết không gian chơi bóng của đối phương.
Pep đòi hỏi các cầu thủ chuyền bóng, ngay cả khi phòng ngự, không phải để diễn, mà là để "tránh việc lối chơi biến thành một trò chơi vô chính phủ". Với những đường chuyền là ngôn ngữ lập trình, Pep "viết" một phần mềm bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ và mở rộng tối đa khoảng không chơi bóng của Barca.
Pep không chỉ “xào” bài
Nhưng Pep là một người cực kỳ thông minh và nhanh chóng nhận ra rằng ông còn thiếu gì: Muốn thực hiện đúng ý đồ về nghệ thuật không gian, Barca cần phải tạo đủ áp lực. Và đó là lý do ông đã lái xe giữa đêm đến nhà Marcelo Bielsa, một bậc thầy pressing. Lý thuyết 6 giây (thời gian tối đa phải giành lại bóng sau khi để mất) trong lối chơi của Barca thời Pep cũng sinh ra từ đây.
Trước khi ngồi lên ghế HLV trưởng của Barcelona, Pep cũng đã đến thăm trung tâm trứ danh Milanello của Milan để tham khảo chuyện huấn luyện thể lực và công tác phục hồi. Một năm trước khi đến nhà Bielsa, Pep dự khán các trận đấu ở Confederations Cup 2005 và tỏ ra rất thích thú với cách chơi của đội Mexico, khi ấy được Ricardo Lavolpe cầm.
Lavolpe sau này khá kinh ngạc khi nhận ra rằng những ý tưởng phòng ngự theo vị trí của ông cũng được Pep áp dụng trong lối chơi của Barca, nhưng Pep thậm chí "đã cải tiến lối chơi ấy đến mức mà giờ, chính tôi (Lavolpe) phải học hỏi cậu ấy".
Dông dài để thấy rằng Pep chưa bao giờ là một nhà phát minh. Chính Pep từng nói: "Tôi học từ Menotti, Bielsa, La Volpe, hay đơn giản là từ tất cả mọi người". Pep là miếng bọt biển, hút hết những gì có thể xung quanh, luôn luôn học hỏi, cải tiến, và bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo.
Bayern giờ chưa hoàn hảo, nhưng Pep sẽ tiếp tục cắp cặp đi học, "xào", và tìm ra những điều mới, từ những thứ cũ rích. Nhiều khi, nhà vô địch chỉ đơn giản thế.
5 Bayern Munich của Pep đã thua 5 trận ở Bundesliga mùa này, trước đó 1 năm họ chỉ để thua đúng 2 trận. 8,5 Khi còn dẫn dắt Barcelona, tỉ lệ thua trận của Pep Guardiola chỉ là 8,5% (21/247 trận). Tại Bayern Munich tỉ lệ này tăng gần gấp đôi, hiện là 14% (15/107 trận). 19 Tổng cộng sau 6 mùa dẫn dắt Barcelona và Bayern Munich, Pep đã giành được 19 danh hiệu lớn nhỏ |
Phạm An
Thể thao & Văn hóa