Bầu cử vòng 1 Tổng Giám đốc UNESCO: Đại sứ Phạm Sanh Châu và các ứng cử viên không ai đạt quá bán
(Thethaovanhoa.vn) - Vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO đã diễn ra vào cuối buổi họp ngày 9/10 của Hội đồng chấp hành UNESCO, với kết quả bất ngờ ngoài dự đoán của dư luận quốc tế.
- Bầu TGĐ UNESCO: Ông Phạm Sanh Châu trực tiếp vận động tại hơn 30 nước
- UNESCO bỏ phiếu kín tìm lãnh đạo mới
Ứng cử viên Qatar, ông Hammad bin Al-Kawari đã giành số phiếu cao nhất (19 phiếu), theo sau là các ứng cử viên Pháp, bà Audrey Azoulay với 13 phiếu và Ai Cập, bà Moushira Khattab với 11 phiếu. Như vậy, không có ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán (30/58 phiếu) và Hội đồng chấp hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 2 vào cuối buổi họp chiều mai 10/10.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kết quả vòng 1 chưa phản ánh sát tình hình thực tế mà chỉ là vòng thăm dò giữa các nước. Trên thực tế, việc lựa chọn Tổng giám đốc UNESCO, một tổ chức có vai trò quan trọng của Liên hợp quốc, thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước đề cử ứng cử viên, thậm chí giữa các khu vực. Cuộc cạnh tranh với kết quả rượt đuổi đến phút chót đã từng diễn ra trong cuộc bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013.
Thời kỳ đó có 9 ứng cử viên đến từ 5 khu vực địa lý ra tranh cử. Cuộc tranh cử đã trải qua 5 vòng và từ vòng 3 trở đi các ứng cử viên có ít phiếu hơn đã rút để đánh đổi phiếu với các ứng cử viên ở nhóm đầu. Bước sang vòng 4, ứng cử viên Áo rút và số phiếu được chia đều cho Ai Cập và Bulgaria là 29:29. Tại vòng 5, bà Irina Bokova, ứng cử viên Bulgaria, đã vượt qua ứng cử viên Ai Cập và giành 31 phiếu để trở thành Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013.
Lần tranh cử năm nay cũng có 9 ứng cử viên đến từ tất cả các khu vực trên thế giới, gồm Ai Cập, Azerbaijan, Iraq, Guatemala, Liban, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam. Cho dù sau vòng phỏng vấn vào tháng 4 vừa qua, đã có 2 ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút, song các ứng cử viên còn lại đều là những nhân vật có tên tuổi, có kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động ngoại giao đa phương và trong lĩnh vực hợp tác văn hóa, có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, đã từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở trong nước hoặc tại các tổ chức quốc tế.
Ứng cử viên Việt Nam Phạm Sanh Châu cũng là người am hiểu và nhiều kinh nghiệm hoạt động ở UNESCO, từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các công việc của UNESCO. Trước những ứng cử viên "sừng sỏ" khác, Việt Nam gặp một số khó khăn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào một vị trí người đứng đầu một tổ chức cấp cao trong hệ thống Liên hợp quốc và phải cạnh tranh trực tiếp.
Để tìm ra người lãnh đạo phù hợp cho tổ chức UNESCO trong 5 năm tới, dự báo các vòng bầu cử sẽ có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là hoạt động bình thường trong quan hệ quốc tế, nhất là khi riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 2 ứng cử viên, và đây cũng là khu vực từng có người giữ chức Tổng Giám đốc UNESCO.
Trong khi đó có đến 4 ứng cử viên đến từ khu vực Ả-rập, là khu vực chưa từng có ứng cử viên trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO. Do có nhiều ứng cử viên cùng ra tranh cử nên quá trình vận động cũng như đánh đổi, đan xen lợi ích giữa các quốc gia diễn ra khá phức tạp và thách thức.
Một khó khăn khác liên quan đến vấn đề tài chính của UNESCO. Không ít nước đang chờ đợi một ứng cử viên Tổng Giám đốc từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi các nguồn vốn nhằm mục đích giải quyết được tình hình khó khăn về mặt tài chính của UNESCO.
Theo ông Radovan Stanislav Pejovnik, Trưởng phái đoàn Slovenia, "việc ai sẽ được bầu làm Tổng Giám đốc của UNESCO nhiệm kỳ tới là rất quan trọng. Chúng ta đang sống trong một thế giới rất mong manh và UNESCO là một tổ chức lớn có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với hòa bình thế giới. Hiện UNESCO đang đứng trước yêu cầu cải cách. Ông hoặc bà Tổng giám đốc mới sẽ phải dành rất nhiều quan tâm vào việc cải tổ toàn diện UNESCO nhằm đáp ứng các đòi hỏi của mới trong giai đoạn hiện nay".
Cho dù ứng cử viên Việt Nam không đạt được số phiếu cao trong vòng bầu cử đầu tiên (2 phiếu, bằng số phiếu của Azerbaijan, trong khi Trung Quốc được 5 phiếu và Liban 6 phiếu), song thông qua quá trình vận động bầu cử, Việt Nam cũng đã "gặt hái" được nhiều kết quả khả quan. Điều đó thể hiện ở việc vị thế và vai trò của Việt Nam được tăng cường trên trường quốc tế, khi các nước đều đánh giá cao việc chủ động tích cực đóng góp của Việt Nam vào công việc chung của tổ chức UNESCO.
Quan hệ và hợp tác song phương được thúc đẩy giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm và chủ động tham gia các công việc chung trên trường quốc tế.
Bà Farhana Ahmed Chowdhury, phó Trưởng phái đoàn Bangladesh nhấn mạnh: "Kỳ bầu cử này có 7 ứng cử viên và Việt Nam là một trong số đó. Chúng tôi rất trông đợi và đánh giá cao ứng cử viên Việt Nam. Tôi cho rằng người đại diện Việt Nam là một ứng cử viên tốt, ông ấy đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiểu biết từ những năm tháng làm đại sứ".
Trải qua nhiều bỡ ngỡ trong quá trình lần đầu tiên ứng cử vào vị trí lãnh đạo của một tổ chức quốc tế, Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều. Đây thực sự là bước đệm để Việt Nam nỗ lực và tự tin tiếp tục ứng cử vào các vị trí quan trọng khác trong hội nhập quốc tế. Với cuộc tranh cử lần này, kết quả chung cuộc vẫn còn ở phía trước. Ngày 10/10, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình vận động cho ứng cử viên của mình.
TTXVN