Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tổng thống mới yêu nghệ thuật tới mức nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Dù là Hillary Clinton hay Donald Trump, nước Mỹ cũng chuẩn bị có một vị Tổng thống mới. So với những người tiền nhiệm, vị Tân Tổng thống của nước Mỹ này sẽ yêu mến và quan tâm tới nghệ thuật đến mức nào?
- Chấn động bầu cử Mỹ: Xảy ra vụ nổ súng đầu tiên tại California, 4 người bị thương
- Bầu cử Mỹ: Phe Dân chủ hy vọng chiến thắng 'kép' ở cả Nhà Trắng và Thượng viện
- Bầu cử Mỹ: Những hình ảnh 'nóng' đầu tiên từ Mỹ
Những "chuyên gia nghệ thuật" tại Nhà Trắng
Harry Truman (Tổng thống thứ 33) và Richard Nixon đều biết chơi piano, Bill Clinton chơi kèn saxophone. John F. Kennedy từng đề nghị nhà thơ Robert Frost phát biểu tại lễ nhậm chức của mình và tổ chức một màn trình diễn nhạc cổ điển tại Nhà Trắng. Jimmy Carter bắt đầu các buổi sáng của mình trong Nhà Trắng bằng việc nghe nhạc Mozart nửa tiếng, còn buổi tối thì nghe nhạc của Richard Wagner. Vị Tổng thống này cũng thường xuyên tới các nhà hát.
Hoặc, Tổng thống Theodor Roosevelt từng mời các nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc Ferruccio Busoni và Ignacy Paderewski tới Nhà Trắng trình diễn. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Ronald Reagan cũng đã mời một giọng ca opera trứ danh tới trình diễn.
2 ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới
Trong khi đó, George H.W. Bush lại thích nhạc country hơn. Với Barack Obama, thời trẻ, thần tượng của vị Tổng thống này là huyền thoại âm nhạc khiếm thị Stevie Wonder. Bên cạnh đó, Obama còn hâm mộ cả Marvin Gaye, Bruce Springsteen, Aretha Franklin và ngôi sao rap hay "gây chuyện" Kanye West.
Lịch sử này tiết lộ điều gì về mối quan tâm của các tổng thống tới nghệ thuật? Và nó ảnh hưởng thế nào tới các chính sách văn hóa của họ?
Được biết, ngân sách hàng năm của Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (NEA), tổ chức tài trợ văn hóa duy nhất của chính phủ liên bang, hiện là 148 triệu USD. Dân số của Mỹ hiện nay là 319 triệu người. Như vậy tính ra là 46 cent/đầu người.
Ở Mỹ, tài trợ nghệ thuật phần lớn là từ các chính quyền địa phương và thành phần tư nhân. Tác động của Tổng thống tới chính sách văn hóa là rất nhỏ. Tuy nhiên, Tổng thống có thể gửi đi những tín hiệu tạo ảnh hưởng tới các hoạt động sáng tạo, từ giáo dục công cộng tới các dự án điện ảnh Hollywood.
Sự mâu thuẫn của Donald Trump
Donald Trump là người đã tổ chức 14 mùa chương trình truyền hình thực tế The Apprentice và The Celebrity Apprentice.
Cho dù nhiều người không coi truyền hình thực tế là nghệ thuật, nhưng hồi đầu năm, khi được hỏi về vấn đề giáo dục nghệ thuật trong các trường học, Trump đã trả lời : "Kỹ năng tư duy phê bình, khả năng đọc, viết và làm toán cơ bản vẫn là những yếu tố chính dẫn tới thành công kinh tế. Một nền giáo dục toàn diện bao gồm văn học và các loại hình nghệ thuật và đây là yếu tố quan trọng để tạo ra những công dân tốt".
Vậy đây có là vấn đề được ưu tiên trong chính quyền của ông Trump? Sẽ là không bởi theo tuyên bố của ông: "Chính phủ liên bang cần phải thoát ra khỏi nền kinh doanh giáo dục và hãy để cho các bang, quận và các bậc cha mẹ quyết định nên giảng dạy những gì trong trường học".
Bà Hillary Clinton nhận được sự ủng hộ của nhiều ngôi sao giải trí, trong đó có siêu sao pop Katy Perry
Còn với nghệ thuật? Theo tờ The Art Newspaper, trong những năm 1994-2000, ông Trump đã đóng góp ít nhất 465.125 USD cho các tổ chức liên quan tới nghệ thuật ở New York, một khoản tiền quá nhỏ so với khối tài sản trị giá 10 tỷ USD của ông.
Thị hiếu nghệ thuật của ông Trump không có gì đặc biệt. Năm 1999, Trump đã mô tả bức tranh gây tranh cãi The Holy Mary Virgin là "bẩn tưởi và thoái hóa". Tác giả bức tranh là Chris Ofili đã dùng nhiều chất liệu, trong đó có sơn dầu và phân voi, để mô tả một người phụ nữ da màu mặc chiếc áo choàng màu xanh, trang phục truyền thống mô tả Đức mẹ Đồng trinh.
"Là một Tổng thống, tôi sẽ đảm bảo rằng Quỹ Nghệ thuật Quốc gia dừng tài trợ cho những tác phẩm như thế này" – ông Trump tuyên bố vào thời điểm đó. Nhưng ông không hề biết rằng Quỹ Nghệ thuật Quốc gia chưa bao giờ tài trợ cho triển lãm trưng bày tranh ở New York hồi năm 1997-2000.
Hồi tháng 2, ứng viên đảng Cộng hòa này đã bật mí rằng ông có thể quan tâm tới loại hình biểu cảm nghệ thuật nào: “Tôi sẽ có thêm một số mẫu thiết kế cho bức tường bởi một ngày nào đó bức tường có thể mang tên tôi và tôi muốn nó trông đẹp thực sự”.
Trong khi đó "Sói già" Hollywood Clint Eastwood lại ủng hộ Donald Trump
Bức tường ông Trump nói đến là bức tường mà ông muốn xây dựng ở biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Năm 2013, Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ thống kê giá trị mà các nền kinh doanh nghệ thuật và văn hóa thu về cho nền kinh tế Mỹ đạt 704,2 tỷ USD. Khi được hỏi nếu ở vai trò tổng thống, ông sẽ làm gì để bảo tồn kết quả tích cực đó trong cán cân thương mại Mỹ, ông Trump đáp: "Thị trường tự do sẽ thông báo cho chúng ta biết doanh nghiệp nào sẽ phát triển thịnh vượng và doanh nghiệp nào thất bại”.
Hillary Clinton: "Nghệ thuật là ngôn ngữ toàn cầu"
Còn ứng cử viên Hillary thì sao? Bà không hề có bất cứ tuyên bố gì về các vấn đề văn hóa và nghệ thuật trong chiến dịch tranh cử của mình. Do vậy, chúng ta cũng phải “lục” lại những tuyên bố trước đây của bà.
Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ hồi năm 2013, Hillary đã ca ngợi chương trình Art in Embassies (Nghệ thuật trong các Đại sứ quán) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nói rằng, nghệ thuật “đã lan tới các chính phủ và giúp chúng ta kết nối được với nhiều người ở nhiều nơi hơn. Đây là một ngôn ngữ toàn cầu trong cuộc tìm kiếm nền tảng chung, một cách biểu đạt của nhân loại”.
Hay hồi tháng 10/2015, bà Hillary nói: “Tôi tin rằng nghệ thuật và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xã hội, song cũng là những yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, du lịch và thu hút người trẻ”.
Còn trong một dịp khác, bà Hillary tuyên bố: "Nghệ thuật là lý do chính để tái sinh đô thị. Bạn có thể thấy điều đó ở các thành phố mà các nhà tiên phong hiện đại là những nghệ sĩ”.
Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa