Bầu cử Mỹ 2024: Tổng thống Joe Biden công bố đề xuất ngân sách nếu tái đắc cử
Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phác thảo tầm nhìn chính sách cho nước Mỹ với việc công bố danh mục chi tiêu ước tính trị giá 7,3 nghìn tỷ USD - tương tự như một đề xuất chính sách trong năm bầu cử đối với cử tri.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tài liệu công bố cho biết, Tổng thống Biden muốn tăng mạnh thuế đối với các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao nếu ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm, để giúp cắt giảm thâm hụt liên bang và chi trả cho các chương trình mới nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp đối phó với tình trạng chi phí nhà ở và chăm sóc trẻ em tăng cao.
Cụ thể, ngân sách đề xuất của Tổng thống Biden cho năm tài chính 2025, bắt đầu từ tháng 10/2024, bao gồm việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% đối với những người có doanh thu trên 400.000 USD/năm, buộc những người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên phải trả thuế ít nhất 25% thu nhập, đồng thời để chính phủ đàm phán để giảm giá thuốc. Trong khi đó, chính phủ sẽ mang lại khoản tín dụng thuế trẻ em cho những người có thu nhập thấp và trung bình, tài trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, cấp 258 tỷ USD để xây dựng nhà ở, chi hàng tỷ USD để ngăn chặn tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật.
Ngoài ra, ngân sách đề xuất cũng hứa hẹn cắt giảm thâm hụt chi tiêu hàng năm khoảng 3 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, làm chậm lại nhưng không ngăn cản sự tăng trưởng của khoản nợ quốc gia trị giá 34,5 nghìn tỷ USD. Nhà Trắng dự báo thâm hụt sẽ đạt tổng cộng 1,8 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2025, tương đương 6,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trước khi giảm xuống dưới 4% trong thập kỷ này.
Về đối ngoại, ngân sách đề xuất hướng tới mục tiêu đảm bảo tương lai và duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngân sách cho năm tài chính 2025 bao gồm khoản 4 tỷ USD đầu tư vào các đối tác và liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có 62 triệu USD dành riêng cho việc hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nỗ lực tăng cường các ưu tiên của ASEAN, bao gồm các lĩnh vực an ninh hàng hải, quản trị kinh tế và thương mại, kết nối, an ninh y tế toàn cầu, giới tính, dân chủ và nhân quyền, hỗ trợ Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á.
Ngoài ra còn có 256,5 triệu USD dành riêng cho việc tăng cường các khuôn khổ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Bộ Tứ (QUAD), Quan hệ đối tác Mê Công-Mỹ và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - để tăng cường kết nối mạng và kỹ thuật số nhằm xây dựng khả năng phục hồi trước các mối đe dọa xuyên quốc gia, tăng cường an ninh khu vực thông qua hỗ trợ thực thi luật hàng hải và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế điện tử.
Đáng chú ý, chính quyền Biden dự chi 7,6 tỷ USD để hỗ trợ các cam kết lâu dài với các đối tác quan trọng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi về quan hệ đối tác kinh tế, phát triển và an ninh chung, bao gồm Israel, Jordan và Ai Cập. Điều này cũng bao gồm việc tăng cường hỗ trợ người dân Palestine ở Bờ Tây và Gaza, cũng như đầu tư vào xây dựng hòa bình và các nhu cầu trong lĩnh vực an ninh.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng dành 2,9 tỷ USD để đổi mới, củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, bao gồm đóng góp cho Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Đồng thời, Washington dự kiến chi 63 triệu USD cho các khoản đầu tư quan trọng cần thiết cho năm tài chính 2025 để chuẩn bị cho việc Mỹ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào năm 2026.
Ngân sách trên được công bố vài ngày sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Biden thuộc đảng Dân chủ, trong đó ông công kích mạnh mẽ các giá trị của cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa, người dự kiến sẽ là đối thủ của ông bên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.