Bất ngờ như 'Kẻ trộm chó'
(Thethaovanhoa.vn) - Khởi chiếu từ ngày 6/10, phim Kẻ trộm chó thật sự có chút lợi thế thu hút ngay từ tên phim – khi bắt độc giả liên tưởng ngay tới dòng thời sự về... chó: nạn trộm chó hoành hành, người dân bức xúc hành hung kẻ trộm chó, hay mới nhất là chiến dịch bắt chó thả rông.
- Trung Quốc: Hai kẻ trộm chó bị dân làng đánh dã man, treo xác chó lên cổ
- Tử hình kẻ trộm chó giết hai cha con
1. Hơn nửa tháng trước, trong buổi khoe phim (showcase) của Kẻ trộm chó, những người tham dự đã rất ấn tượng trước những lời bộc bạch chân thành của biên kịch kiêm đạo diễn trẻ Ngụy Minh Khang về lý do làm phim.
Theo lời Khang, ý tưởng xuất phát từ một sự việc đau buồn: khi còn nhỏ, anh đã chứng kiến con chó cưng tên Phèn bị một kẻ trộm chó bắt đi, kéo lê dã man trên đường nhựa. Hình ảnh đó đã khiến anh day dứt, để đến khi trưởng thành thì hạ quyết tâm phải làm một phim truyền đi thông điệp yêu thương, bảo vệ loài chó và chống nạn trộm chó ở Việt Nam.
Tâm huyết của Khang đã lay động những người thầy của anh như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Minh Nhí, diễn viên Lý Hùng, giảng viên Nguyễn Đạt… Họ chẳng đắn đo mà góp công, góp của để biến ước muốn của Khang thành hiện thực. Có lẽ chính vì làm bằng cái tình, cái tâm như vậy mà phim Kẻ trộm chó có được cái chân thật, gây được xúc động cho người xem.
Chuyện phim xoay quanh hành trình của Ghẻ và Đen - hai tên trộm chó có hoàn cảnh, tính cách và số phận khác nhau. Trong phim, Ngụy Minh Khang (vai Ghẻ), Hồng Vân (vai cô Năm), Minh Nhí (ba của Đen), Lý Hùng (ba của Ghẻ)… hiện lên chân thật, gần gũi. Kể cả với những vai diễn phụ như ông già mù (Mạc Can), Mén (Phương Hằng) hay Đen (Hứa Minh Đạt)… cũng đều rất sống động.
Phim cũng ghi điểm ở tiết tấu khá nhanh, gãy gọn, lời thoại tự nhiên, các tình huống gây cười được tiết chế vừa phải, không bị lố và nhảm. Việc lồng ghép câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa Ghẻ và cô gái câm bán hột vịt lộn, bắp xào tên Mén cũng khá duyên dáng. Tuy thủ vai cô gái câm, nhưng diễn xuất của Phương Hằng là rất “biết nói”. Nhạc phim cũng được chăm chút, tạo thiện cảm với hai ca khúc Yêu không cần nói, Ông già mù và con chó.
2. Là sản phẩm đầu tay nên Kẻ trộm chó còn những điểm chưa thuyết phục. Hạn chế lớn nhất là xây dựng tâm lý nhân vật trung tâm Ghẻ chưa hợp lý khiến người xem thắc mắc về tính nước đôi, hai mặt của Ghẻ.
Điển hình, được cho là người có ăn có học, đạo đức tốt, từng bỏ nghề xây dựng vì không muốn gian dối, nhưng Ghẻ lại dễ dàng theo chân Đen hành nghề trộm chó chỉ sau một lần bị đuổi việc khỏi công ty may.
Ngay cảnh đầu phim cũng chưa thuyết phục: Ghẻ được cho là người rất yêu chó nhưng lại sẵn sàng bao che cho tên trộm chó như Đen khỏi sự truy lùng của người dân. Hoặc, những cảnh thể hiện tình thương của Ghẻ đối với chó lại càng trái ngược với công việc trộm chó mà Ghẻ đang làm…
Liên quan đến nhân vật ba của Ghẻ, những đoạn thoại đời thường của nhân vật này cứng nhắc, khuôn sáo, lệch tông khỏi sự hồn nhiên chân chất của Ghẻ và Đen, khiến những đoạn trò chuyện của cả ba ngô nghê, buồn cười. Lý do ba của Ghẻ nhận ngay ra Ghẻ là con khi Ghẻ vào tù cũng chưa được lý giải rõ.
Đặc biệt, những phân cảnh bắt chó, trộm chó, phim lột tả còn nhẹ nhàng so với thực tế khốc liệt, nhất là cảnh trộm chó bị dân đánh. Những hình ảnh trong lò mổ chó cũng khá sơ sài, có ý giảm nhẹ. Có thể thông cảm với đạo diễn, có lẽ anh không muốn đưa những cảnh quá ghê rợn lên phim, dù đã được một chủ lò mổ tại Củ Chi đồng ý cho ghi hình. Thế nhưng, với một tác phẩm nhằm mục đích lên án nạn trộm chó, ăn thịt chó, nếu thiếu những đoạn phim “đắt giá” đó, có lẽ tác dụng cảnh tỉnh, tuyên truyền cũng ít nhiều thiếu “ép phê”.
Theo đạo diễn, các cảnh quay bạo lực, máu me đã được đoàn phim xử lý riêng để đảm bảo an toàn cho các con vật. Các cảnh quay này nằm trong video hậu trường, sẽ sớm được đoàn làm phim tung lên mạng. Những khán giả nào “muốn nhiều hơn” thì hãy chờ xem phần hậu trường (behind the scene) này vậy.
Dương Ngọc