Bất đồng xuất hiện ngay trong ngày họp đầu tiên của hội nghị COP21
Các quốc gia nghèo yêu cầu các nước giàu có phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tình trạng nóng lên trên toàn cầu bởi họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế từ sau cách mạng công nghiệp để làm giàu cho chính mình. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia phát triển lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn bởi chính những quốc gia này đang tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho nền kinh tế đang lớn mạnh của mình.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ cam kết và kêu gọi các quốc gia khác cùng thực hiện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đảm bảo sẽ thực hiện cam kết, song ông này cũng cho rằng các quốc gia giàu có cần thực hiện trách nhiệm giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng những quốc gia nghèo vẫn cần phải sử dụng những nguồn năng lượng hóa thạch để thoát nghèo và cho rằng các quốc gia giàu có nên đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải ở mức cao hơn bởi cho tới nay lượng khí thải công nghiệp ở các quốc gia giàu có vẫn đang rất cao.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cũng chỉ trích các quốc gia giàu có đang đặt gánh nặng dọn dẹp "đống hỗn độn" do chính họ gây ra lên vai những quốc gia nghèo. Như vậy, một lần nữa sự chia rẽ giữa các nước giàu và nghèo - lý do khiến rất nhiều lần hội nghị về biến đổi khí hậu mà LHQ tổ chức kể từ năm 1995 tới nay không đi đến kết quả - lại làm nóng hội nghị COP21.
Trong 12 ngày diễn ra hội nghị, lãnh đạo hơn 150 quốc gia trên thế giới sẽ thảo luận để xây dựng một nghị quyết toàn diện trong đó yêu cầu các nền kinh tế ngừng sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, yếu tố chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những vấn đề chính sẽ cần được thống nhất tại hội nghị lần này bao gồm hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo và các quốc gia dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo cho các quốc gia đang phát triển.
Ngoài ra, việc xây dựng hiệp ước chung để kiểm soát việc thực hiện cam kết cắt giảm khí thải ở mỗi quốc gia và tính pháp lý của hiệp ước này cũng sẽ là những nội dung nghị sự trọng tâm của COP21.
TTXVN