Bất động sản có 'tái sốt' sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4?
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, số lượng giao dịch mua và thuê bất động sản đã tăng trở lại.
Đặc biệt là thị trường bất động sản Hà Nội được đánh giá sôi động lại rất nhanh cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu đối với lĩnh vực này vẫn rất cao. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại có thể hình thành đợt sốt đất mới sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Hà Nội vừa kết thúc việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để chuyển dần sang trạng thái bình thường mới thì gia đình ông Nguyễn Kinh Bắc – quận Bắc Từ Liêm đã nhanh chóng làm thủ tục đặt cọc và mua một căn nhà xây sẵn với trị giá hơn 5 tỷ đồng trên phố Xuân La. Ông Bắc chia sẻ, khi làm thủ tục công chứng mua – bán, gia đình rất bất ngờ vì thấy nhiều nhà cũng chọn giao dịch vào thời điểm này.
Lý do khiến ông Bắc nhanh chóng “chốt mua” là vì tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp, giá nhà đất có xu hướng tăng và ngay cả vật liệu xây dựng cũng “leo thang”. Nếu cứ để tiền gửi ngân hàng thì lãi suất cũng không đủ bù tốc độ tăng giá của bất động sản – ông Bắc cho hay.
Tâm lý ông Bắc cũng khá trùng hợp với diễn biến của thị trường bất động sản 2 năm qua. Các chuyên gia cũng nhận xét, kết thúc mỗi đợt bùng phát dịch, thị trường bất động sản luôn có sự phục hồi nhanh chóng. Cuối năm 2020, đầu năm 2021 - khi đợt dịch lần thứ 3 được kiểm soát, thị trường bất động sản cũng chứng kiến cơn sốt đất diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước và chỉ “hạ nhiệt” khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Bởi vậy, dù thị trường gặp khó khi đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn lớn. Thị trường sẽ tiếp tục bật trở lại sau thời gian bị nén. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng khiến thị trường nóng lên khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới.
- CLB đại gia bất động sản Kbiz: Ai cũng tậu nhà ít nhất 10 triệu USD
- Kinh doanh mặt bằng thời dịch COVID-19: Bất động sản công nghiệp 'lên ngôi'
- Bất động sản Hà Nội vào 'tầm ngắm' của nhà đầu tư
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến độ thi công chậm, quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án cũng bị kéo dài... khiến thị trường ngày càng hiếm dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Bối cảnh cầu cao hơn cung cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá mặt bằng chung các phân khúc trên thị trường bất động sản nhích lên.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, bà Phạm Thanh Thủy (quận Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ, đối tượng đầu tư vào kênh chứng khoán chủ yếu là những người trẻ, biết sử dụng công nghệ, có kiến thức về doanh nghiệp. Còn người trung tuổi có tiền sẽ thích đầu tư bất động sản vì phù hợp với kênh kiếm tiền này hơn.
Hiện Chính phủ đang thúc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với việc phát triển hàng loạt công trình hạ tầng cũng là một trong những động lực khiến nhà đầu tư có thể kỳ vọng yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới – bà Thủy nhận xét. Đặc biệt, sau mấy đợt “sốt đất” vừa qua, tâm lý nhà đầu tư chuyên nghiệp đã vững vàng hơn, có thêm những phương án dự phòng thích hợp.
Giám đốc CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, câu chuyện “sốt đất” không phải mới mà luôn diễn ra, hết đợt này sẽ hình thành đợt khác theo nhịp đập thị trường. Thực tế suốt thời gian dài qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều lần sốt đất. Do đó, việc lặp lại tình trạng này cũng là hiện tượng bình thường; thậm chí, “sốt đất” sẽ luôn phổ biến tại những khu vực đang có xu hướng phát triển hoặc khu vực đang phát triển về hạ tầng hay có quy hoạch mới.
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, khi độ phủ vaccine tiếp tục gia tăng, mọi hoạt động xã hội sẽ cơ bản quay trở lại bình thường. Khi nhu cầu đầu tư bất động sản còn cao thì tình trạng “sốt đất” sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong việc đưa thị trường bất động sản quay trở lại quỹ đạo phát triển nằm ở yếu tố tâm lý. Các chủ đầu tư cũng phải tính toán lại thời điểm công bố các dự án để kinh doanh khi nhu cầu, thu nhập của khách hàng đã thay đổi sau thời gian dịch bệnh.
Ông Quang phân tích, trong 3 tháng vừa qua, dịch bệnh nghiêm trọng khiến thị trường khó khăn hơn, nhưng độ “thấm” vẫn chưa thể hiện rõ. Do đó, thời gian tới sẽ có hai trạng thái. Nếu cải thiện được tình hình thì bất động sản vẫn là thị trường hấp dẫn và sẽ có cơn sốt nhẹ. Nhưng nếu vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý và còn khó khăn hơn thì thị trường có khả năng sẽ tiếp tục “trầm lắng”. Các nhà đầu tư đều có niềm tin vào thị trường sẽ tiếp tục tăng; trong đó, có một bộ phận nhà đầu tư bất động sản vẫn luôn mong muốn xảy ra các cơn “sốt đất” để kiếm lời nhanh.
Thực tế cũng ghi nhận, thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá và không có dấu hiệu giảm. Do đó, tình trạng tăng giá đất hay "sốt đất” ở một số khu vực giá đất đang thấp vẫn có thể xảy ra. Tiến sỹ Đinh Thế Hiển nhận xét, ở bất cứ lĩnh vực nào, sự tăng trưởng cũng sẽ đạt đến ngưỡng bão hòa, có thể diễn biến theo chu kỳ hoặc tính chất của lĩnh vực đó.
Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản, tính chất dựa trên giá cả. Khi tăng đến một mức nào đó có thể sẽ xảy ra tình trạng cục bộ. Đơn cử như một khu vực tăng giá trước khi hạ tầng đến thì sẽ làm cho giá đất khu vực đó chỉ tăng trong một khoảng thời gian nhất định rồi bị ngưng lại hoặc rớt giá.
Bởi vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, “sốt đất” có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào khu vực đó có điều kiện gì phù hợp. Nếu khu vực đó có thông tin quy hoạch mới, giá đất còn thấp hoặc trước đó giá đất chưa tăng tương xứng… thì dễ xảy ra “sốt”. Chứ với những khu vực đã từng “sốt đất” rồi thì rất khó vì giá đất tăng có thể đã đạt ngưỡng chịu đựng trên thị trường – Tiến sỹ Đinh Thế Hiển phân tích.
Trước diễn biến thị trường, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam cảnh báo, tại một số khu vực, bất động sản trước đó chưa được đánh giá cao nhưng sau “sốt đất” đã xảy ra hiện tượng giá tăng vượt quá giá trị thực tế, trở thành giá trị ảo. Điều này dẫn đến rủi ro cao cho các nhà đầu tư; đồng thời gây ra hệ lụy xấu cho toàn thị trường cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Do đó, khi có hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên con sóng cao để nhận lấy rủi ro. Bên cạnh đó, dòng tiền hiện nay đổ vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn cũng như một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tính pháp lý cũng rất quan trọng, nhất là những nhà đầu tư theo kiểu “đón sóng” hạ tầng thì cần kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương, tránh đi theo những tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông.
TTXVN