Barca run rẩy ở Champions League
(Thethaovanhoa.vn) - Trái ngược với phong độ ổn định tại La Liga, Barcelona không là chính mình khi bước ra sân khấu Champions League, nơi họ gây thất vọng nhất lượt đi vòng bảng và có nguy cơ bị loại.
Nếu không tạo được điều gì đặc biệt khi bước vào lượt về, việc bị loại sẽ trở thành thảm họa với Barca về mặt thể thao cũng như khía cạnh kinh tế.
Nỗi thất vọng Barca
Champions League cứu rỗi Simone Inzaghi và nuốt chửng Xavi Hernandez. Trước khi trận đấu giữa Inter và Barca diễn ra, nhiều thông tin cho rằng đội bóng Italy đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ với Thomas Tuchel, người vừa bị Chelsea sa thải. Ngoài mức lương 12 triệu euro, Inter còn đồng ý với Tuchel về việc đẩy Romelu Lukaku càng sớm càng tốt. Kịch bản trận đấu hồi giữa tuần ở Giuseppe Meazza đã làm thay đổi hoàn toàn câu chuyện. Inzaghi sẽ tiếp tục công việc với Inter ít nhất thêm vài tuần nữa.
Inzaghi thở phào, nhưng Xavi thì không. Inter và Barca là sự tương phản giữa giải đấu quốc nội với mặt trận châu Âu. Đội bóng của Inzaghi xếp thứ 9 Serie A, với 8 điểm ít hơn đội đầu bảng Napoli, nhưng tràn đầy cơ hội vào vòng 1/8 Champions League. Ngược lại, Barca có nguy cơ mùa thứ hai liên tiếp không thể vượt qua vòng bảng. Thậm chí, một kênh truyền thông Tây Ban Nha còn mỉa mai “chào mừng Barca đến với Europa League”. Mùa trước, sau khi thay Ronald Koeman, Xavi không thể giúp Barca vượt khó, bị đẩy xuống Europa League rồi sau đó thua Frankfurt.
Ở Giuseppe Meazza, sau những tranh cãi là một Barca không thể hiện được chính mình. Lewandowski có rất ít khoảng trống. Raphinha bất lực và người vào thay Ansu Fati cũng mờ nhạt. Ousmane Dembele nổi bật hơn, khi anh có cú sút chạm cột dọc và kiến tạo để Pedri đưa bóng vào lưới đội chủ nhà trong tình huống VAR từ chối bàn thắng. Tuy vậy, cầu thủ người Pháp cũng để mất bóng đến 30 lần. Trước Inter, lối đá của Barca rất mất cân bằng, khi mọi pha tấn công đều dồn vào Dembele, người mà Joan Laporta nhấn mạnh rằng “cậu ấy giỏi hơn Kylian Mbappe”, và được Xavi khen ngợi “xuất sắc nhất thế giới ở vị trí của mình”. Thay vì hướng mọi thứ vào trọng tài, Barca cần nhìn nhận lại chính mình.
Xavi cùng Barca bất bại 18 trận sân khách tại La Liga, trong chuỗi 19 trận liên tiếp không thua. Nhưng đội bóng xứ Catalunya thua cả 3 trận sân khách ở Champions League mà Xavi dẫn dắt, không ghi được bàn thắng nào, trong khi thủng lưới đến 6 lần. Hai trong số này là những thất bại trước Bayern Munich. Giữa tháng Chín, Bayern đã thắng Barca toàn diện ở thời điểm họ đang rất lận đận tại Bundesliga. Có gì giống nhau giữa Bayern và Inter khi đánh bại Barca? Họ tận dụng cơ hội của mình tốt hơn. Inter luôn biết cách khiến Barca lúng túng ở trung lộ, khi Christensen khá rụt rè và Eric Garcia đá dưới sức. Calhanoglu đã ghi bàn theo cách như vậy.
Barca là đội bóng lớn gây thất vọng nhất giai đoạn lượt đi vòng bảng. Bây giờ, để có thể vượt qua Inter và giành ngôi nhì bảng C, Barca buộc phải thắng đối thủ này với cách biệt 2 bàn trong trận lượt về giữa tuần sau (nếu chỉ thắng 1 bàn, Barca tạm vươn lên nhờ hiệu số chung cuộc, trong khi yếu tố quan trọng là hiệu số đối đầu thì ngang nhau. Khi ấy, Inter có thể ghi thật nhiều bàn vào lưới Viktoria Plzen để giành lại vị trí nhì bảng).
Mối đe dọa tài chính
Chủ nhật này, Barca sẽ có cuộc họp quan trọng của hội đồng quản trị. Kinh tế là tâm điểm. Khi nhắc đến ngân sách mùa giải 2022-23, Eduard Romeu, phó chủ tịch kinh tế của CLB, cho biết: “CLB rất thận trọng, nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng”. Ông cũng nhấn mạnh thêm, “Champions League không phải vấn đề. Nếu thắng cả 3 trận còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chơi”.
Làm thế nào để giành 9 điểm, cho dù Barca được đá 2/3 trận lượt về trên sân nhà Camp Nou? Đây thực sự là một nhiệm vụ rất khó khăn với Xavi. Trong trường hợp không giành được vé vòng 1/8, Barca sẽ rơi vào thảm họa thực sự. Mùa hè vừa qua, Chủ tịch Laporta đã phải áp dụng chính sách đòn bẩy kinh tế để chiêu mộ một loạt cầu thủ mới. Bản thân Laporta cũng thực hiện bảo lãnh cá nhân nhằm giúp CLB đăng ký được Jules Kounde trước ngày đóng cửa thị trường chuyển nhượng.
Nhờ chính sách đòn bẩy kinh tế, quỹ lương hiện nay của Barca là 518 triệu euro (cao hơn mùa giải 2016-17, lần cuối cùng Neymar còn ở Camp Nou, với tổng lương 432 triệu euro), chiếm 51% ngân sách. Nếu không có đòn bẩy kinh tế, quỹ lương chiếm đến 69% ngân sách. Nhưng đòn bẩy kinh tế yêu cầu thành công về mặt thể thao, đặc biệt khi Barca là đội bóng Tây Ban Nha chi nhiều nhất cho hoạt động chuyển nhượng. Dự tính, đội quân của Xavi phải ít nhất vào tứ kết Champions League để cân bằng tài chính.
Mục tiêu của Barca là kiếm lợi nhuận hơn 200 triệu euro trong mùa giải 2022-23. Cụ thể là thu 1,255 tỷ euro, trong khi chi 1,017 tỷ euro. Nếu không vượt qua vòng bảng, khiến mất khoản lớn tiền thưởng, bản quyền truyền hình, bán vé và quảng cáo, Barca rất khó đạt con số này. Những con số mà hội đồng quản trị đưa ra càng tạo áp lực lớn cho Xavi.
Ngọc Linh