Barca đã sai lầm thế nào khi buộc Arthur gia nhập Juventus?
(Thethaovanhoa.vn) - Giả sử Pjanic chơi tuyệt vời, giúp Barca vô địch Liga và cúp C1 mùa tới, giả sử trong lúc đó Arthur không làm nên trò trống gì ở Juve, Barca vẫn sai lầm trong vụ trao đổi cầu thủ này.
Từ khi đến Camp Nou năm 2018, Arthur đá chính chưa đầy 50% số trận của Barca, bị chấn thương nhiều, bị chỉ trích không ít khi những buổi vượt rào đi chơi đêm rò rỉ trên truyền thông.
Khi sung sức, Arthur cũng thường không đáp ứng được kỳ vọng, không chứng tỏ được mình là phiên bản mới của Xavi. Chỉ có 4 bàn thắng và 6 kiến tạo đến từ đôi chân của tiền vệ Brazil.
Nhưng đó không phải lí do khiến anh phải ra đi, ngay cả khi nó góp phần thúc đẩy Barca quyết định gạt bỏ anh. Bất chấp những vấn đề của Arthur, kết quả thăm dò ý kiến độc giả do tờ Sport tiến hành cho thấy có tới 77% người được hỏi nói rằng bán anh đi không phải là ý tưởng hay.
Arthur không muốn đi mà bị buộc phải đi. Không phải ban huấn luyện Barca loại bỏ anh (họ không muốn anh đi) mà ban lãnh đạo Barca quyết định anh phải đến Juventus.
Việc Barca quyết định chia tay Arthur không liên quan nhiều đến yếu tố chuyên môn mà vì lí do tài chính. Điều đó cắt nghĩa vì họ họ cùng Juventus thực hiện một vụ trao đổi cầu thủ lạ lùng. Một vụ chuyển nhượng mà trên sổ sách Barca bán Arthur cho Juve với giá 82 triệu euro (70 triệu + 10 triệu thưởng theo thành tích) còn Juve bán Pjanic cho Barca với giá 70 triệu euro (60 triệu + 10 triệu thưởng theo thành tích) và thực chất chỉ có 12 triệu euro tiền chênh lệch phí chuyển nhượng là Juve phải trả cho Barca.
Trong thời kỳ “hậu Covid-19” mà cả Arthur lẫn Pjanic đều được định giá rất cao và sự định giá này không phải dựa vào giá trị thực của họ mà bởi cả Barca lẫn Juve đều muốn có một bản báo cáo tài chính đẹp khi kết thúc tài khóa 2019-2020.
Thế nên khi Juve định giá Pjanic 60 triệu euro thì Barca định giá Arthur 70 triệu và ngược lại. Nghĩa là đội này định giá cầu thủ của mình dựa theo giá bán cầu thủ mà đội kia áp đặt để làm sao hai đội cùng cảm thấy hài lòng. Bằng cách áp giá bán Pjanic và Arthur cao nhất có thể, Juve và Barca đã tìm được cách làm đẹp sổ sách cho tài khóa này và điều đó cho phép họ lách luật công bằng tài chính (FFP), điều mà Barca rất muốn làm.
Đó là lí do thực sự khiến ban lãnh đạo Barca ép Arthur phải ra đi và như thế, trong khi đạt mục đích làm đẹp sổ sách kế toán, họ lại thất bại về chuyên môn, lại có một kế hoạch chuyển nhượng bị đổ bể bất chấp Pjanic có chơi hay khi đá ở Camp Nou từ mùa tới.
Arthur chỉ là một cái tên trong cả bản danh sách dài những vụ chuyển nhượng Barca đã thực hiện nhưng chẳng đi đến đâu khi họ chiêu mộ Luis Suárez, Ivan Rakitic và Marc-Andre ter Stegen năm 2014.
Nối tiếp bộ ba ấy, những Arda Turan, Aleix Vidal, Andre Gomes, Paco Alcácer, Samuel Umtiti, Lucas Digne, Jasper Cillessen, Denis Suárez, Marlon, Yerry Mina, Gerard Deulofeu, Nelson Semedo, Paulinho, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, Jean-Clair Todibo, Kevin-Prince Boateng, Jeison Murillo, Arturo Vidal, Arthur, Clement Lenglet, Malcom, Antoine Griezmann, Frenkie De Jong, Neto, Junior Firpo, Emerson và Martin Braithwaite đã đến Camp Nou.
Rất nhiều nhưng tất cả họ hoặc đã ra đi trong thất vọng hoặc hứa hẹn sẽ phải ra đi trong tương lai mà Barca chẳng khai thác được gì nhiều. Hè này kế hoạch chiêu mộ tiền đạo hàng đầu của Barca coi như phá sản vì Covid-19. Họ đã không giữ chân được Neymar, dùng số tiền lớn bán Neymar tái đầu tư nhưng liên tiếp mắc sai lầm để rồi lại không thể đưa Neymar trở lại Camp Nou khi “hàng tồn” còn quá nhiều khiến tiền bạc của họ cạn kiệt.
Bây giờ họ lại buộc Arthur phải ra đi vì tiền dù Arthur không muốn. Họ bảo Arthur không phải là “Xavi mới” nhưng quên rằng ngay cả Xavi bản gốc cũng chỉ đạt đến độ chin vào năm 28 tuổi trong khi Arthur mới ở tuổi 23.
Họ mua Arthur về với mục tiêu sử dụng anh cho tương lai lâu dài nhưng khi Messi vừa bước sang tuổi 33 thì họ lại buộc Arthur phải ra đi chỉ để có một con số đẹp trong bản báo cáo tài chính.
HT
Tổng hợp