Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn ấn, kiếm, kim sách... được vua dùng thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến bảo vật hoàng cung triều Nguyễn là nhắc đến những bảo vật truyền quốc một thời của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.
- Ngắm Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn đang được trưng bày
- Chiêm ngưỡng sách vàng, ấn vàng triều Nguyễn
- Tọa đàm khoa học về Châu bản triều Nguyễn
Các bảo vật quý giá của triều Nguyễn được trưng bày
Một quy định của vua Minh Mạng được ban hành năm 1837 đã ghi rõ: “Bảo tỷ là khí cụ quan trọng của Nhà nước, từ trước đến nay vẫn tôn trí ở điện Trung Hòa, trừ khi có việc cần đóng ấn nào thì triều thần mới làm sớ tâu lên xin phép vua, rồi cho các Thái giám bưng ra để dùng, còn các đại thần ở ngoại đình thì ít người được trông thấy. Tuy điện Trung Hòa là nơi ngày đêm Trẫm ở, nhất quyết không có chuyện bất trắc xảy ra, nhưng bảo tỷ là khí cụ rất quan trọng, không nên chỉ để cho đàn bà và hoạn quan dự biết, như thế chẳng phải là phép tốt để dạy bảo muôn đời” [1] .
Quy định cho việc lau chùi ấn tín cũng bắt đầu từ năm này với những điều khoản nghiêm ngặt. Danh sách những người được phép tham gia việc này phải được kê khai đầy đủ và do hoàng đế đích thân phê duyệt, bao gồm các hoàng tử được phong tước và các viên đại thần văn, võ nhất phẩm cùng đại thần của Cơ Mật Viện và Nội Các.
Khi thực hiện việc lau chùi ấn tín, những người này phải mặc áo mũ trang nghiêm, kính cẩn lau chùi các bảo tỷ đặt trên bàn ở điện Cần Chánh, sau đó bỏ vào các hòm khóa lại và dán niêm phong cẩn mật. Xong việc, thái giám sẽ làm nhiệm vụ đưa về cất ở chỗ cũ.
Do những bảo vật là các ấn tín được dùng để duy trì sự vận hành các hoạt động của bộ máy nhà nước quân chủ nên khi cất ấn, niêm phong cũng là lúc các cơ quan của triều đình đóng cửa nghỉ Tết. Nghi lễ này gọi là lễ Phất thức, được thực hiện trong một ngày thuộc hạ tuần tháng Chạp âm lịch trước khi các cơ quan của triều đình nghỉ việc để ăn Tết.
May mắn là ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện còn lưu giữ được 85 bảo tỷ của triều Nguyễn, trong đó bao gồm hầu hết các kim bảo, ngọc tỉ quan trọng của triều đình, được chế tác tập trung vào các đời vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị.
Các bảo vật quý giá của triều Nguyễn được trưng bày
Ngoài các loại kim ấn, bảo tỷ hoặc kim sách, các đồ dùng văn phòng tứ bảo hoặc vật dụng sinh hoạt phục vụ ẩm thực cung đình của hoàng gia triều Nguyễn cũng là những bảo vật được chế tác tinh xảo và bằng các loại chất liệu quý hiếm như vàng, bạc, ngọc…, thể hiện khiếu thẩm mỹ tinh tế và đời sống tinh thần phong phú của các hoàng đế triều Nguyễn. Tùy theo đối tượng sử dụng mà các hoa văn trang trí được chạm khắc hình rồng (dành cho hoàng đế), chim phụng (dành cho hoàng thái hậu hoặc hoàng quý phi) hoặc các loại hoa văn khác thể hiện ước nguyện cuộc sống hạnh phúc, trường thọ.
Ngày 30/8/1945, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8, tại tầng 2 lầu Ngũ Phụng trên đài Ngọ Môn trước Đại Nội Huế đã diễn ra nghi thức trao ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại cho phái đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó, trong buổi hội kiến chuẩn bị cho lễ thoái vị, vua Bảo Đại đã bàn giao toàn bộ tài sản của vương triều cho chính quyền Cách mạng.
Do đó, ngày 27 và 28/8, việc kiểm đếm đã được Đổng lý Ngự tiền văn phòng Nội các Phạm Khắc Hòe tiến hành. Người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến. Sau lễ thoái vị, toàn bộ số tài sản này chuyển ra Hà Nội và được Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào ngày 17/12/1959. Năm 1962, để đảm bảo an toàn cho bộ sưu tập, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã gửi bộ sưu tập này sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt cho đến tận năm 2007, các bảo vật này mới được chuyển giao về lại Bảo tàng để bảo quản, trưng bày.
Với triển lãm “Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn”, lần đầu tiên các bảo vật chứa đựng tinh thần và sức mạnh quyền lực của triều Nguyễn được giới thiệu đến công chúng ở Cố đô Huế - nơi lập nên triều đại. Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện, mở cửa thường xuyên tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, thành phố Huế) vào các ngày trong tuần từ 6/12/2016 đến 5/1/2017.[1] Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, tập 14, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 38.
Bài ảnh: Nam Giao - báo Thừa Thiên Huế