Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật chèo - Bài 2: Để điệu chèo mãi ngân vang
Nghệ thuật chèo truyền thống có nguy cơ bị mai một dần bởi xã hội phát triển hiện đại với nhiều loại hình giải trí mới hấp dẫn.
Để gìn giữ nghệ thuật dân gian giàu bản sắc dân tộc, thời gian qua Thái Bình đã chú trọng phát triển phong trào hát chèo, diễn chèo trong cộng đồng, đặc biệt là đưa chèo vào trường học. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Gìn giữ chèo từ những câu lạc bộ không chuyên
Ngày 14/2/2023, nghệ thuật chèo Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào của người Thái Bình với "quê lúa, đất chèo" nhưng cũng là trách nhiệm của cộng đồng với việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống này. Thái Bình luôn xác định lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng. Ngày từ năm 2022, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Đề án phát triển nghệ thuật chèo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện trên 8 tỷ đồng, xác định "đưa nghệ thuật chèo trở thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch tiêu biểu, là sức mạnh nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".
Về Thái Bình, không chỉ ở làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng), việc giữ gìn nét đẹp của chèo ngày nay còn được thực hiện ở toàn tỉnh. Nếu như ngày thường, chị em phụ nữ xã Vũ Bình (huyện Kiến Xương) là những công nhân, nông dân quen làm việc trong công ty, xí nghiệp, quen với ruộng đồng thì cuối tuần họ lại hóa thành thành "nghệ sỹ" chèo của làng quê với những chiếc áo tứ thân màu sắc, múa, hát trong điệu chèo quen thuộc. Đây cũng là một địa chỉ có phong trào hát chèo trong quần chúng sôi nổi ở huyện Kiến Xương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Bình Phan Thị Tươi cho biết, ra đời năm 2022 với 30 thành viên, đến nay Câu lạc bộ chèo xã Vũ Bình đã thu hút gần 100 thành viên, nòng cốt là hội viên Hội Phụ nữ xã. Trong các ngày lễ hội hay những sự kiện của Hội, địa phương, Câu lạc bộ sẽ đóng góp những tiết mục chèo như là "đặc sản" của quê hương. Sau những ngày lao động vất vả, cứ cuối tuần Câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt để chị em giao lưu, trau dồi những điệu chèo, lồng ghép triển khai hoạt động của Hội. Nhờ đó, các phong trào, công tác Hội trở nên phong phú, hiệu quả hơn.
Ông Bùi Minh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho biết, để gìn giữ và khích lệ phong trào hát chèo trong cộng đồng, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật với mục tiêu gìn giữ, phát huy nét đẹp giá trị di sản nghệ thuật chèo trong đời sống tinh thần của nhân dân; chung tay để nghệ thuật chèo truyền thống của Thái Bình hướng tới hành trình ghi danh vào dánh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, để gìn giữ nghệ thuật chèo, tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện mở lớp truyền dạy nghệ thuật chèo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 câu lạc bộ chèo với hơn 8.000 hội viên tham gia. Các câu lạc bộ sinh hoạt, tập luyện ở nhiều nơi khác nhau từ nhà văn hóa xã, phường, thôn, tổ dân phố đến đình chùa, trường học hoặc nhà dân, đặc biệt là các hội viên đều đam mê với điệu chèo quê hương. Không chỉ diễn những vở diễn truyền thống, các câu lạc bộ đã sáng tác, sử dụng bài hát chèo lời mới, ca cảnh, hoạt cảnh, dựng những vở diễn ngắn mang hơi thở thời đại, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Dù không chuyên nghiệp nhưng các câu lạc bộ chèo ở mỗi thôn làng, tổ dân phố đang là những hạt nhân tích cực để gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống của vùng "quê lúa, đất chèo".
Đưa chèo vào trường học
Năm 2022, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án Phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Thái Bình cũng là một trong số ít địa phương tiên phong đưa chèo vào trường học. Sau hơn 1 năm thực hiện, Đề án này cho thấy hiệu quả trong việc trao truyền, giáo dục thế hệ trẻ về môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của quê hương đang có nguy cơ bị mai một.
Trường Tiểu học Bình Định (huyện Kiến Xương) là cơ sở giáo dục thực hiện tốt Đề án này. Không chỉ mang lại cho học sinh sự tự tin, khả năng cảm thụ âm nhạc mà những giờ học ngoại khóa lồng ghép giáo dục địa phương có sự góp mặt của nghệ thuật chèo trở nên hấp dẫn hơn, góp phần nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật chèo với học sinh. Đến nay, nhà trường đã thành lập được Câu lạc bộ chèo với 30 em học sinh có chung niềm đam mê, trở thành hạt nhân tiêu biểu lan tỏa các điệu chèo trong lớp, trường.
Cô giáo Phạm Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Định cho biết, cùng với các giờ dạy trên lớp lồng ghép trong chương trình giáo dục địa phương, vào 15 phút đầu giờ sáng thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh sinh hoạt hát, múa chèo tập thể. Ban đầu các em đều chưa biết gì về chèo nhưng đến nay đã có niềm yêu thích, tự tin biểu diễn trước công chúng. Học sinh các khối lớp có thể biểu diễn thuần thục một số tiết mục và hát múa bài chèo của trường với tên gọi "Bình Định – Mái trường mến yêu".
Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay 100% nhà trường đã đưa nghệ thuật chèo vào lớp học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nghệ thuật chèo được giảng dạy dưới dạng lồng ghép, tích hợp một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục (Âm nhạc, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và các hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp). Trong đó chương trình Giáo dục địa phương có 7 chuyên đề từ lớp 2 đến lớp 12 theo từng cấp độ, phù hợp với từng bậc học từ giới thiệu, làm quen đến biểu diễn các làn điệu, sử dụng nhạc cụ trong nghệ thuật chèo. Nhiều cơ sở giáo dục đã thành lập và duy trì mô hình câu lạc bộ chèo cho học sinh, một số trường học đã có những sáng tác riêng của đơn vị.
Khẳng định giá trị của nghệ thuật chèo trong đời sống người Việt trên dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cùng 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ đã tích cực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa Nghệ thuật Chèo ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, để tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật chèo truyền thống, thời gian tới, ngành văn hóa sẽ chú trọng triển khai sưu tầm, số hóa các tài liệu liên quan đến chèo. Đồng thời phục dựng, bảo tồn các không gian chèo cổ, bảo lưu những trích đoạn chèo cổ, vai mẫu đồng thời tiếp tục quan tâm phát triển nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, mở các lớp truyền dạy chèo, nuôi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu, kế cận để phát triển nghệ thuật này trong tương lai. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục bảo tồn di sản, thực hiện chính sách đặc thù đối với các nghệ sĩ và nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Với những nỗ lực của cộng đồng và chính quyền, nghệ thuật chèo ở Thái Bình vẫn đang được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ. Nghệ thuật chèo truyền thống cùng với chèo hiện đại đã và đang tạo sức mạnh văn hóa nội sinh, trở thành nét đặc trưng của mảnh đất Thái Bình, hướng đến mục tiêu đưa nghệ thuật này trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch tiêu biểu thu hút đông đảo du khách ở địa phương.