Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật chèo - Bài 1: Đặc sắc chiếu chèo quê lúa
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, đưa "Nghệ thuật Chèo" vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa quan trọng của nghệ thuật chèo trong đời sống tinh thần mỗi người dân nước ta ta mà còn là niềm tự hào của người dân Thái Bình, nơi vốn nổi danh với nhiều điệu chèo cổ, đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết "Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật chèo" nhằm làm nổi bật nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật chèo của Thái Bình trên hành trình hướng tới danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bài 1: Đặc sắc chiếu chèo quê lúa
Với nhiều nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là nơi hội tụ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân gian, trong đó nổi bật là nghệ thuật chèo. Vượt qua nhiều thăng trầm, nơi đây vẫn giữ được hồn cốt của nhiều làn điệu chèo độc đáo.
Chèo Khuốc – đặc trưng chèo Thái Bình
Là hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian, chèo bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ X dưới thời nhà Đinh. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo với người sáng lập là bà Phạm Thị Trân - một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà, chuyên truyền dạy nghề múa hát. Với lịch sử ra đời từ hàng nghìn năm, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội của người Việt, là một nét đẹp văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Chèo gắn liền với sinh hoạt đời sống, hội hè của người Việt, được tổ chức diễn xướng trong các lễ hội nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và phục vụ sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định nghệ thuật chèo ở Thái Bình ra đời từ khi nào nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIX trên đất Thái Bình đã có khoảng 50 đơn vị nghệ thuật chèo với các tên gọi gánh, phường, hội rải rác, trong đó hạt nhân là 3 vùng: Chèo Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng), chèo Hà Xá (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) và chèo Sáo Đền (xã Song An, huyện Vũ Thư). Riêng chèo Khuốc, ở giai đoạn cực thịnh có lúc trong làng có đến 15 gánh hát chèo, diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ trong làng mà còn phục vụ nhân dân vùng khác. Do đó, chiếu chèo làng Khuốc được mệnh danh là một trong 7 cái nôi sản sinh ra chèo đất Việt, từng được triều đình ban tặng danh hiệu "Mỹ tục khả phong" và "Thuần phong mỹ tục". Từ xa xưa, chèo Khuốc đã đi vào ca dao và trở thành "đặc sản" để mời chào: "Hỡi cô thắt giải lưng xanh/Có xem chèo Khuốc với anh thì về".
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết, chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Chèo mang tính quần chúng, được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
Mỗi chiếng chèo có những "ngón nghề", kỹ thuật riêng do sự khác nhau trong phong cách nghệ thuật dựa trên cơ sở dân ca, dân vũ địa phương. Trong đó chiếng chèo Đông gồm khu vực các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và phía bắc Hưng Yên. Chiếng chèo Đoài gồm khu vực Tây Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Chiếng chèo Nam gồm khu vực Nam Hà Nội, Hà Nam, phía Nam Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Chiếng chèo Bắc gồm khu vực Bắc Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Nhắc đến chèo Thái Bình không thể không nhắc đến chèo Khuốc. Qua lịch sử phát triển lâu dài, chèo làng Khuốc khi thịnh khi suy nhưng vẫn luôn giữ được nét đặc trưng riêng có. Nơi đây còn là cái nôi đào tạo, cung cấp diễn viên, nhạc công cho nhiều nhà hát, đoàn chèo chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Truyền lửa, giữ hồn chèo làng Khuốc
Với hơn 50 năm gắn bó, tâm huyết với chèo Khuốc và là người thầy đặc biệt của nhiều diễn viên chèo chuyên nghiệp, Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro (thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu) là người duy nhất ở Thái Bình được trao tặng danh hiệu cao quý này bởi ông nắm giữ "báu vật" nghệ thuật chèo truyền thống. Mặc dù đã 72 tuổi nhưng lão nông Bùi Văn Ro vẫn yêu chèo như bản năng, như máu thịt và luôn đau đáu trăn trở về chuyện giữ hồn cốt của chèo Khuốc cũng như việc bảo tồn nghệ thuật dân gian này cho các thế hệ sau.
Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro chia sẻ, các làn điệu của chèo Khuốc có chất liệu từ dân ca, ca dao, dễ hiểu, dễ nhớ, bình dị mà gần gũi. Chèo Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo, không ở đâu có được như "Ván cờ tiên", "Ðường trường thu không", "Tình thư hà vị", "Hề đơm đó"… Nhưng theo ông, độc đáo hơn cả vẫn là "Múa trái" và "Tắm tiên" trong vở "Từ Thức du tiên" được xếp vào hàng có một không hai. Những làn điệu độc đáo ở chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Với chèo ở nơi khác và chèo chuyên nghiệp, cách hát vang, rền, nền, nảy là tiêu chí hàng đầu thì ở chèo Khuốc đầu tiên phải là tròn vành rõ chữ và không thừa chữ. Hay như cách gõ trống của chèo Khuốc cũng khác biệt. Cứ sau mỗi lời hát phải đế tiếng trống để nâng lời hát lên. Tiếng trống và lời hát tuy hai mà một, hòa quyện với nhau. Nếu không đánh được trống đế thì người hát có hát hay cũng bằng không.
Cùng với làn điệu, âm nhạc thì nét đặc sắc không thể thiếu của nghệ thuật chèo là múa chèo, thể hiện ước lệ những động tác trong lao động và cuộc sống. Đôi bàn tay mềm mại kết hợp chuyển động toàn thân nhẹ nhàng, uyển chuyển theo tiết tấu câu hát, theo nhịp điệu cung bậc của cảm xúc làm nên hình ảnh nhân vật trong vở diễn.
Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cho hay, trong nghệ thuật chèo chiếc quạt là đạo cụ ưu thế để người hát, người diễn hòa nhập với động tác múa, góp phần nói lên câu chuyện. Nhưng động tác múa quạt thế nào cho ra hồn cốt nhân vật lại không hề dễ. Bởi vậy, một trong những bài học đầu tiên khi học hát chèo phải là múa quạt. Ví dụ như trong vở "Quan âm Thị Kính", người diễn tay cầm quạt thế nào cho ra hình ảnh, cốt cách của Thị Kính hay Thị Mầu với động tác phẩy quạt lả lướt theo từng lời hát...
Ở làng Khuốc, chèo là đã trở thành phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, từ người già đến người trẻ, có gia đình 2-3 thế hệ đều gắn bó, trao truyền nghệ thuật chèo truyền thống như một báu vật. Hiện ở làng Khuốc chỉ còn Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cùng 3 Nghệ nhân Ưu tú dù tuổi cao nhưng vẫn âm thầm truyền lửa, giữ hồn chèo làng Khuốc…