Bảo tồn nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường cổ ở di sản Mỹ Sơn
Đợt thăm dò, khai quật, khảo cổ học vào đầu tháng 4/2024, các chuyên gia đã tìm thấy nền móng của con đường cổ có niên đại hàng nghìn năm, tương đương với niên đại tháp K trong quần thể Di sản Mỹ Sơn.
Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật, khảo cổ phế tích kiến trúc đường dẫn có niên đại hàng nghìn năm, tại phía Đông tháp K, thuộc quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vào đầu tháng 4/2024, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có phương án bảo tồn, để vừa bảo vệ nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường cổ, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách, không để xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại, tác động bởi các yếu tố thời tiết, cổ vật bị thất lạc; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khoa học để đưa con đường cổ mới vừa phát lộ ở Mỹ Sơn vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết cho biết, để bảo vệ nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường, các chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ và Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đánh giá kỹ hiện trạng sau khi phát lộ, xác định các nguy hại tác động trực tiếp đến con đường trong mùa mưa sắp tới, những tác động tiêu cực của con người trong quá trình tham quan.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, các chuyên gia đề xuất phương án bảo tồn cấp thiết con đường là: sử dụng chất liệu tương thích với chất liệu gốc của con đường cổ để xây dựng công trình thoát nước ngầm từ hố khai quật ra bên ngoài, đào các rãnh cắt nước mưa từ các sườn đồi phía Bắc, không cho nước mưa làm ngập con đường, làm nhà bao che, hàng rào mềm.
Là người có nhiều đóng góp trong việc thăm dò, khai quật, khảo cổ phế tích kiến trúc đường dẫn vào tháp K, đồng thời là người có những đề xuất các giải pháp khoa học trong việc bảo vệ nguyên vẹn và khẩn cấp các giá trị gốc, các hiện vật được tìm thấy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, việc khẩn trương bảo vệ con đường cổ khỏi sự tác động của các yếu tố như thời tiết, khí hậu, nhất là khi mùa mưa đến là việc làm cấp bách.
Trước những đề xuất khoa học của các chuyên gia, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Sở đang cùng với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Duy Xuyên chỉ đạo Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng của con đường cổ đã phát lộ; hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học của con đường này; đưa con đường này vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
"Bảo vệ nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường cổ vừa phát lộ góp phần làm rõ giá trị của những công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn; đồng thời góp thêm những tư liệu mới, bổ sung hồ sơ khoa học đầy đủ hơn, toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn là việc làm cấp bách", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam khẳng định.
Anh Danae Hermann (du khách đến từ Israel) chia sẻ, ấn tượng đầu tiên của anh với Mỹ Sơn là dấu tích của nền văn minh cổ, kiến trúc độc đáo, kỳ bí. Di tích Mỹ Sơn càng lôi cuốn hơn khi vừa tìm ra con đường cổ. Kiến trúc nơi đây là tài sản quý giá của Việt Nam và nhân loại. Do vậy, chất liệu dùng để bảo vệ hay phục dựng con đường cần được đánh giá kỹ lưỡng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên gia chuẩn bị chu đáo các biện pháp bảo vệ nguyên vẹn giá trị gốc đường cổ nghìn năm tuổi ở Mỹ Sơn khi cấp có thẩm quyền cho phép. Những kỹ thuật và kinh nghiệm trong quá trình trùng tu các đền tháp trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thực hiện trước đây cũng được tham khảo cẩn trọng để ứng dụng vào việc trùng tu, bảo vệ nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường cổ. Những cổ vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ như gốm men và đất nung là những hiện vật quan trọng làm cơ sở để đánh giá niên đại của con đường cổ một cách đáng tin cậy nhất. Những hiện vật này đang được bảo quản cẩn trọng tại Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Đợt thăm dò, khai quật, khảo cổ học vào đầu tháng 4/2024, các chuyên gia đã tìm thấy nền móng của con đường cổ có niên đại hàng nghìn năm, tương đương với niên đại tháp K trong quần thể Di sản Mỹ Sơn. Con đường làm bằng đất dầm chặt, rộng 9 m, dài hơn 150 m, được xác định là con đường chính mà người Chăm cổ xưa đi vào Mỹ Sơn để hành lễ từ hàng nghìn năm trước.