Bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ, Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh, hàng chục trai đinh Mạn Đìa, Mạn Đường, Mạn Chợ mình trần, đầu chít khăn điều, hồ hởi tham gia trình diễn kéo co ngồi đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) trong không khí náo nhiệt. Người dân trong vùng từ người già, trẻ nhỏ đến nam thanh nữ tú ra sức cổ vũ trong tiếng hò reo để mạn mình giành chiến thắng, mang lại may mắn cho xóm làng.
Với tính độc đáo trong nghi lễ và trò chơi này, kéo co ngồi đền Trấn Vũ được người dân phường Thạch Bàn ý thức gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, nhất là khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trò chơi truyền thống mang đậm nét tâm linh
Bên mái đền thâm nâu, rợp bóng đa che phủ, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ tự hào kể về nguồn gốc, quy trình nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi với sự hào hứng. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất Thạch Bàn, chứng kiến sự trường tồn của nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi, hơn ai hết, ông là người hiểu rõ về trò chơi này như một môn nghệ thuật mang đậm dấu ấn tâm linh.
“Trò chơi kéo co ngồi mang tính chất hầu Thánh thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi việc đều tốt lành và niềm tin đó được dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác” – Ông Ngô Quang Khải cho biết.
Trước khi thực hành kéo co, các Mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền lễ Thánh. Tiếp đó, các Mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện ba đội lên nâng cây song (dùng để kéo co) ba lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo. Mỗi đội kéo thường có 15 – 19 người và 1 tổng cờ. Dây kéo bằng cây song luồn qua một chiếc cột lim, chôn xuống đất gọi là cột đồng trụ. Các trai làng trong Mạn ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi lấy gót chân làm điểm tựa để kéo nên được gọi là kéo co ngồi. Điều đặc biệt của trò biểu diễn kéo co ngồi phải thực hiện trên ruộng hoặc nền đất, xuất phát từ nguồn gốc kéo co ngồi là giằng co cái quang và thúng nước diễn ra ngoài ruộng khi trời bị hạn.
Tham gia làm tổng cờ tại buổi trình diễn kéo co ngồi, ông Đào Văn Ánh, Mạn Đìa, hồ hởi kể rằng, từ hồi 17 – 18 tuổi ông đã tham gia kéo co ngồi và giờ tiếp tục làm tổng cờ. Nếu trước kia Mạn Đường thường thắng khi kéo co, thì hiện nay các Mạn đều kéo thực lực trên tinh thần vui vẻ, quyết tâm để mang về chiến thắng cho Mạn của mình.
Sau khi thực hiện xong hiệp kéo co, anh Lê Đức Hiếu, Mạn Đường vẫn bừng bừng khí thế, nét mặt rạng ngời. Với giọng nói hào sảng, anh cho biết đã tham gia kéo co ngồi từ hơn 10 năm nay và còn tiếp tục tham gia khi còn sức lực. Không chỉ có anh, mỗi khi làng có hội hay các hoạt động trình diễn, mọi người trong làng đều hào hứng tham gia, thậm chí nghỉ làm để góp mặt. Vì mỗi lần thắng rất có ý nghĩa trong việc mang lại may mắn cho Mạn, nên đội của anh đều gắng sức kéo.
Bảo tồn di sản của nhân loại
Tháng 12 năm 2015, kéo co truyền thống châu Á tại bốn quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Niềm vui, niềm tự hào không thể lớn hơn đến với nhân dân phường Thạch Bàn, quận Long Biên, bởi trò chơi truyền thống của làng đã vượt qua khoảng cách không gian, địa lý trở thành di sản thế giới. Không chỉ là những cảm xúc tràn đầy, người dân trong phường đều ý thức gìn giữ di sản để trao truyền cho các thế hệ sau và hơn nữa để lan tỏa giá trị quý ra cộng đồng, cũng như ra toàn thế giới.
Ngay sau đó, một khu đất rộng 4.000 m2 ngay trước cửa đền Trấn Vũ đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và quận Long Biên quy hoạch, xây dựng thành bãi kéo co và phục vụ lễ hội đền Trấn Vũ. Trò chơi kéo co có một không gian xứng đáng để thực hành mang đúng ý nghĩa về tâm linh, người dân trong phường cũng như khách thập phương có chỗ để giao lưu, tìm hiểu.
Chia sẻ về công tác phát huy giá trị di sản, ông Bùi Đức Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thạch Bàn cho hay, trong các dịp lễ hội đền Trấn Vũ, địa phương tuyên truyền, quảng bá nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đến người dân và du khách. Đặc biệt, quận Long Biên đang có chương trình đưa học sinh các trường học trên địa bàn quận đến tìm hiểu đền Trấn Vũ và di sản kéo co ngồi. Con số 4.570 học sinh của 15 trường học trên địa bàn đến học ngoại khóa trong năm học 2018 – 2018 đã phần nào khẳng định sự đón nhận và lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo cộng đồng.
Mới đây, người dân Thạch Bàn đã chào đón Hiệp hội bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc sang giao lưu trình diễn giữa các đội kéo co Juldarigi đến từ Yeongsan, Hàn Quốc và kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Mọi người bị cuốn hút vào không khí sôi động của những tiếng hò reo, tiếng trống, cùng những nhạc cụ truyền thống khiến không gian thực hành càng thêm sức sống mới.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) bày tỏ sự vui mừng vì trong thời gian ngắn địa phương có nhiều hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Bà cũng chỉ ra, không gian văn hóa được phục hồi, người dân ý thức rõ về giá trị di sản và trách nhiệm bảo vệ của mình. Khi người dân chủ động bảo vệ di sản thì chính quyền đứng bên cạnh định hướng, hỗ trợ mọi biện pháp quản lý nhà nước về mặt chế tài.
Tuy vậy, trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ nói riêng và trò chơi kéo co ở Việt Nam nói chung, không phải không có những thách thức tác động, đòi hỏi nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy giá trị của di sản và tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chức năng.
TTXVN/Đinh Thuận