Bảo tồn di sản cây xanh: cần một quy hoạch 'chuẩn'
(Thethaovanhoa.vn) - Với câu chuyện xảy ra quanh dự án thay thế 6700 cây xanh tại Hà Nội, một câu hỏi tiếp tục được đặt ra cho cộng đồng: đâu là giải pháp tối ưu để quản lý và bảo tồn loại "di sản" đặc thù của đô thị?
Thực tế, không phải tới dự án thay 6700 cây xanh lần này, chuyện bảo tồn các cây xanh lâu năm tại Hà Nội mới được đặt ra một cách gay gắt và đồng loạt. Ngay từ năm 2013, báo giới và chuyên gia đã nói khá nhiều tới việc 2/9 cây muỗm 700 tuổi tại đền Voi Phục (phố Thụy Khuê) bị chết khô, trong khi nhiều cây còn lại có dấu hiệu sâu bệnh nặng. Đây cũng là 9 cây đầu tiên tại VN nhận danh hiệu "cây di sản" từ – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN (VACNE).
Kêu gọi bảo tồn mà cây vẫn... chết
Ở thời điểm đó, chia sẻ với PV Thể thao&Văn hóa (TTXVN), ông Nguyễn Thanh Tùng (trưởng Ban quản lý đền Voi Phục) cho biết: số cây còn lại cần được việc tiêm thuốc đặc chủng để bảo vệ với số tiền ước tính 60 triệu đồng. Tuy nhiên, với lý do không có kinh phí từ Nhà nước, UBND quận Tây Hồ không đồng ý hỗ trợ khoản tiền trên nên nhà đền phải kêu gọi khách thập phương ủng hộ. Để rồi, tới năm 2015, dù cuộc tranh cãi về trách nhiệm của các bên liên quan chưa ngã ngũ thì 6/7 cây muỗm cổ thụ còn lại tiếp tục... lăn ra chết nốt.
Ông Phùng Quang Chính, Thư kí Hội đồng Cây di sản thuộc VACNE cho biết: là một tổ chức tự nguyện, Hiệp hội này chỉ có thể vinh danh những cây xanh có giá trị và kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng. Còn lại, việc bỏ thời gian và kinh phí để bảo vệ, gìn giữ cây lại phụ thuộc vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Và, đây lại là một vấn đề phức tạp, bởi, khi đạt tới độ tuổi "cao niên" để trở thành di sản đặc biệt của đô thị, cây xanh luôn cần tới những điều kiện chăm sóc rất đặc thù cho mình.
Từ năm 2010, VACNE đã trao tặng danh hiệu "cây di sản" cho trên 700 cây xanh khắp toàn quốc, trong đó có hơn 100 cây tại Hà Nội (độ tuổi trên 100 năm với cây trồng và 200 năm với cây tự nhiên. Cũng trong năm 2010, Nghị định 64 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị nhắc tới việc ưu tiên bảo tồn các cây cổ thụ thỏa mãn 1 trong 2 tiêu chí: có độ tuổi trên 50 năm hoặc có đường kính 50 cm trở lên (tính từ chiều cao 1,3 mét của cây). Nhưng rõ ràng, nhìn lại những câu chuyện trong vài năm qua, chừng đó không thể là đủ để đảm bảo sự an toàn cho các cây cổ thụ.
Từ quy hoạch "không gian xanh" tới quy hoạch "cây xanh"
"Cây không được quan tâm hoặc không có kinh phí thì đã đành. Nhưng đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, chỉ vì thiếu kiến thức và kĩ thuật mà các cây di sản lại gặp trục trặc" – ông Chính nói. Theo lời ông, tại một số đô thị, cây di sản sau khi vinh danh bỗng... ngắc ngoải, bởi người dân nhiệt tình đổ phân bón NPK vào cây quá nhiều. Hoặc có nơi, địa phương lại xây bệ xi măng bao quanh cây để bảo vệ nhưng vô tình đè lên phần rễ nỗi – vốn là bộ phận giữ tác dụng "hô hấp" với nhiều loại cây cổ thụ.
Theo TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), việc bảo tồn cây xanh lâu năm tại đô thị hiện đang có nhiều nhược điểm lớn về chuyên môn. Trên nguyên tắc cơ bản, các cây xanh này luôn cần được chăm sóc, cắt tỉa hàng năm để tránh bị lệch tán, gãy đổ cành. Đồng thời, trong trường hợp có bệnh, cây cần được khẩn trương cạo nấm mốc, quét thuốc hoặc trám những lỗ mục ruỗng bằng chất liệu chuyên dụng để vi khuẩn không xâm nhập.
"Tôi có được xem những bản quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong vài năm qua. Thực tế, chúng ta chỉ dừng lại ở mức quy hoạch không gian xanh, nghĩa là xác định khu vực này, khu vực nọ sẽ trồng cây hoặc gìn giữ cảnh quan hiện có" – TS Hà nói - "Còn lại, không hề có quy hoạch nào về việc trồng cây gì, bảo tồn cây gì, lịch trình chăm sóc trong hàng chục năm tới để thích ứng với cảnh quan và môi trường tại chỗ ra sao...".
Nhìn lại việc hạ bỏ một số cây xà cừ lâu năm tại Hà Nội vừa qua, TS Hà tỏ ra khá tiếc nuối. Bởi nếu có sự nghiên cứu chi tiết, một phần trong số những cây xà cừ cổ thụ tại Hà Nội hoàn toàn vẫn có thể được duy trì thêm một thời gian dài, trước khi thay thế dần bằng loại cây khác. "Tôi khẳng định, nếu không có những tác động khi xây dựng, mở đường hay làm hệ thống ngầm, xà cừ không dễ gì bị đổ".
Khi mà ý thức về nhu cầu bảo tồn cây xanh được đẩy lên cao trong thời điểm hiện tại, phải chăng việc xây dựng một bản quy hoạch "chuẩn" để bảo tồn cây xanh và kêu gọi sự ủng hộ theo hình thức xã hội hóa là điều cần thiết sau những sai lầm vừa xảy ra?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa