Bảo tàng tư nhân: Chưa chuyên nghiệp, nhưng đầy tiềm năng
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là nhận xét từ PGS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), trong cuộc hội thảo về bảo tàng đang diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội.
Được viện Goethe cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, hội thảo diễn ra trong 3 ngày kể từ 19/10 với nội dung xoay quanh những hướng khai thác bảo tàng trong xã hội hiện nay.
“Trong một thập kỷ qua, dấu ấn lớn nhất của Bảo tàng Việt Nam chính là sự xuất hiện của các đơn vị ngoài công lập” - ông Bài nói. Việc cho phép tư nhân lập Bảo tàng tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 2002. Và ở thời điểm hiện tại, 24 bảo tàng thuộc loại này đã xuất hiện, bên cạnh 123 bảo tàng Nhà nước.
Khác với những Bảo tàng Nhà nước được tổ chức thiên về định hướng tuyên truyền, hệ thống bảo tàng tư nhân tại thường hướng về các lĩnh vực gần gũi và cụ thể nhất của xã hội trong đời sống hàng ngày.
Đó là những bảo tàng mỹ thuật (như của 2 nghệ sĩ Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng), bảo tàng gia đình và dòng họ (của con cháu cố học giả Nguyễn Văn Huyên), bảo tàng áo dài (của nhà thiết kế Sĩ Hoàng) hay bảo tàng chứng tích chiến tranh của một nhóm cựu tù nhân Phú Quốc tại Hà Nội…
Và tất nhiên, không thể bỏ qua sự xuất hiện của các bảo tàng cổ vật tư nhân trong số này. Theo PGS Đặng Văn Bài, cùng với việc công nhận quyền sở hữu cổ vật của tư nhân, sự xuất hiện của hệ thống bảo tàng này đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế nạn chảy máu cổ vật của Việt Nam trước đó.
Thậm chí, nhờ nỗ lực của các chủ nhân, một số tác phẩm mỹ thuật, hay cổ vật có xuất xứ Việt Nam, cũng đã từ nước ngoài… hồi hương về cố quốc.
“Ở các nước phát triển, bảo tàng tư nhân là lĩnh vực sôi động và thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng” - PGS Bài nói thêm. “Bởi thế, dù còn những hạn chế về tính chuyên nghiệp, tôi tin rằng những bảo tàng thuộc loại này sẽ phát triển mạnh và làm thay đổi diện mạo của bảo tàng trong thời gian tới”.
Thực chất, bên cạnh những vấn đề về kĩ năng tổ chức và vận hành, hạn chế lớn nhất để tiến lên sự chuyên nghiệp của các bảo tàng Việt Nam nằm ở vấn đề địa điểm, cũng như trang thiết bị chuyên môn. Cá biệt, cũng đã có những bảo tàng được cấp đất miễn phí (như trường hợp của 2 cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng tại Huế). Tuy nhiên, về lâu dài, việc trông đợi vào những hỗ trợ theo hình thức này có lẽ không đơn giản.
“Trước mắt, các bảo tàng Nhà nước cần đẩy mạnh việc hỗ trợ hệ thống bảo tàng ngoài công lập, chẳng hạn như việc phối hợp tổ chức trưng bày, bảo quản giúp hiện vật. Hoặc, khi thanh lý trang thiết bị trưng bày từ Nhà nước, các bảo tàng tư nhân thiếu điều kiện cũng nên được ưu tiên” - ông Bài nói.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa