Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tác phẩm tri ân những bác sĩ ngày đêm chống dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Với tấm lòng tri ân những cán bộ, thầy thuốc, y bác sĩ đang tận tụy ngày đêm túc trực, hết lòng cứu chữa người bệnh, không quản nguy nan của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ điều trị, cách ly phòng, chống nguy cơ lây dịch COVID-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trân trọng giới thiệu tác phẩm: Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch - một sáng tác của hoạ sĩ Trần Đông Lương.
“Chống dịch như chống giặc”, trong thời chiến cũng như thời bình, những “chiến sĩ áo trắng” luôn sẵn sàng trên mặt trận chiến đấu chống lại dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Bức tranh lụa Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch do họa sĩ Trần Đông Lương (1925 – 1993) sáng tác năm 1958 được nhiều người đánh giá là tác phẩm “để đời” của ông, "cho thấy khả năng bố cục và sự xuất sắc về hình họa của họa sĩ”.
- Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất: Thêm 4 ca mắc COVID-19
- Xử phạt nhiều giáo viên đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook về COVID-19
- Số ca nhiễm đang tiến về mốc 1 triệu, LHQ gọi COVID-19 là 'cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất' từ sau Thế chiến II
Bức tranh tái hiện khung cảnh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, với gương mặt hiền hậu, nụ cười ấm áp đang ân cần khám cho bệnh nhân. Xung quanh ông là các y, bác sĩ đang tập trung làm việc: người theo dõi, người ghi chép, người xử lý film chụp x-quang...
Bức tranh ca ngợi tinh thần làm việc hăng say, hết lòng vì sức khoẻ của người dân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng các cộng sự nói riêng, của các y, bác sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận y tế nói chung.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét: “Bảng màu hội họa Trần Đông Lương thăng bằng trong không gian cổ điển. Màu sắc vừa vặn trong khuôn hình mềm mại. Những đường lượn hiện lên trong tranh mịn màng, nõn nà, gợi cảm. Nét bút của Trần Đông Lương luôn tinh tế, mượt mà, thanh nhã, đem lại rung cảm sâu lắng và cả sự nhẹ nhõm, sảng khoái cho người thưởng tranh.”
Hoài Ngọc