Bão số 7: Cập nhật tình hình 13 cán bộ chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn mất liên lạc
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng ngày 13/10, ngay sau khi nhận được thông tin về việc sạt lở xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiều 12/10, Đoàn công tác cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và cán bộ địa phương đã khẩn trương lên đường tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm, cứu nạn.
liên tục cập nhật
Tin bão số 7 cập nhật lúc 21h
Hồi 19 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 07 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An nước dâng do bão có thể cao 0,5m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng mai (14/10), trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Đưa 5 người ở Thủy điện Rào Trăng 4 vào bệnh viện cấp cứu
Tối 13/10, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các lực lượng cử hai tổ công tác, hai tàu cano cùng nhu yếu phẩm thiết yếu đi theo hồ Thủy điện Hương Điền để khảo sát, tiếp cận các điểm sạt lở khác, tìm kiếm cứu nạn. Kết quả đã tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4, cung cấp nhu yếu phẩm mang theo cho các chuyên gia, công nhân tại đây. Đồng thời tại đây, lực lượng Công an đã kịp thời đưa 5 người bị thương nặng về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền ở thị xã Hương Trà.
Hai Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 đều đang trong quá trình xây dựng. Hiện nay, đường đi từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải bằng đường thủy nhưng nước chảy rất xiết.
Trước đó, trưa 12/10, sau khi nhận được tin về sự cố sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với đoàn công tác Quân khu IV gồm 21 người đã tổ chức đi kiểm tra, khảo sát Thủy điện Rào Trăng 3 để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ kịp thời.
Đến khoảng 14 giờ ngày 12/10, đoàn xuất phát từ cơ quan trung tâm huyện Phong Điền bằng phương tiện ô tô để đi vào thủy điện Rào Trăng. Đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến khoảng 21 giờ ngày 12/10, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát khỏi.
Theo thông tin nhận được tại hiện trường, tại thời điểm xảy ra vụ việc, địa điểm bị sạt lở rất nghiêm trọng, việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn, hiện có 13 người trong Đoàn công tác đang bị mất tích, không liên lạc được.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích và hiện vẫn chưa liên lạc được.
Tối 13/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có mặt trực tiếp tại Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) để nắm tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm những người mất tích.
Huy động các lực lượng tích cực tìm kiếm người mất tích tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3
Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về sự cố tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Vào 12 giờ ngày 12/10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định, thông báo vụ việc. Nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Thành phần Đoàn có 21 đồng chí gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy, Đoàn để lại ô tô, đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12/10, Đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm. Lúc 0 giờ ngày 13/10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi Đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, 8 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và hai cán bộ địa phương.
Nhận được tin báo về sự cố, Bộ Quốc phòng đã có Điện số 162TK lúc 9 giờ ngày 13/10, chỉ đạo Quân khu 4, Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ - Cứu nạn và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng Quân khu 4 đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục sạt lở, thông đường đến khu vực người mất tích và thủy điện Rào Trăng 3; chủ trì, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm cứu nạn người mất tích tại các khu vực; tổ chức hệ thống thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn.
Hai đoàn công tác, Đoàn 1 của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn; Đoàn 2 do Phó Chánh Văn phòng Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn đã vào hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích.
Ngoài các cán bộ trong Đoàn công tác còn có các công nhân thi công thủy điện cũng đang bị mất tích. Hiện Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và địa phương chủ động nắm chắc tình hình công tác tổ chức tìm kiếm, kịp thời báo cáo, tham mưu giúp lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp tiếp cận khu vực sạt lở để tìm kiếm cứu nạn.
***
Quá trình tiếp cận địa điểm cứu hộ, cứu nạn, do mưa lũ, sườn núi bên đường bất ngờ sạt lở xuống khu vực Đoàn công tác dừng chân tại Trạm Kiểm lâm số 7, Tiểu khu 67, làm chia cắt đội hình Đoàn công tác.
Hiện nay, 13 cán bộ trong Đoàn công tác đã bị mất liên lạc.
- Bão số 7 giật cấp 11 đổ bộ đất liền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
- Bão số 7 giật cấp 11 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đang mạnh thêm
- Bão số 7 gây gió giật cấp 11 tại vùng biển các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Bộ Quốc phòng đang trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp tiếp cận khu vực sạt lở để tìm kiếm cứu nạn.
Áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão số 8 chồng bão số 7
Hiện nay 13/10, ở vùng biển phía Đông miền trung Phi-líp-pin có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ ngày 14/10, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền trung Philippin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão, cơn bão số 8.
Nhóm P.V