Bão số 2: Bão giật cấp 11 vào đất liền sáng nay 4/7 từ Hải Phòng tới Nam Định
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo nhận định của Trung tâm thì cường độ của bão số 2 không mạnh lên, bão số 2 đang ở vị trí thấp hơn so với huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Thời điểm bão số 2 đi vào đất liền là vào khoảng từ 4-7 giờ sáng 4/7 (khu vực trọng điểm bão đi vào sẽ là Hải Phòng và phía Bắc của Thanh Hóa) với cường độ gió mạnh cấp 6, một số khu vực ven biển có thể có gió giật cấp 7-8, có nơi cấp 9.
- Bão số 2 cách các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định khoảng 180 km, dự kiến vào đất liền sáng 4/7
- Bão số 2 giật cấp 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình
Khoảng 4h30-5h00 sáng ngày 04/7, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.
Do ảnh hưởng của bão số 2 đổ bộ nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to.
Hồi 05 giờ ngày 04/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (50-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Trong ngày hôm nay (04/7), ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.
Trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội: Có mưa vừa đến mưa to và dông. Trong mưa dông có gió giật mạnh. Cần theo dõi thông tin dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong các bản tin được ban hành theo quy định.
Chống bão số 2: Tạm dừng hoạt động khai thác Cảng container quốc tế Hải Phòng
Nhằm bảo đảm an toàn quá trình kinh doanh-khai thác cảng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) Yang Vu Nung vừa ký thông báo khẩn về việc tạm thời dừng hoạt động sản xuất tại Cảng container quốc tế Hải Phòng trong thời gian cơn bão số 2 đổ bộ vào thành phố Hải Phòng.
Theo đó, bắt đầu từ 17 giờ ngày 3-7 đến khi nhận được thông tin an toàn của Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, cảng tạm dừng các hoạt động liên quan đến tiếp nhận tàu và khai thác giao nhận hàng hóa để bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa.
Cảng bố trí đường dây nóng của Trung tâm điều hành sản xuất theo số điện thoại 0869.300.900 để các đại lý, hãng tàu liên hệ công việc. Những trường hợp đặc biệt, Trung tâm điều độ của cảng sẽ xem xét và có kế hoạch cụ thể.
Nhiều chuyến bay bị hủy và chuyển hướng hạ cánh do bão số 2
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (tên quốc tế là MUN) tại khu vực Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trong ngày 3/7.
Hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã phải hủy và điều chỉnh hướng hạ cánh một số chuyến bay do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (bão MUN).
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ huỷ 2 chuyến bay VN1192, VN1193 giữa Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh; Jetstar Pacific sẽ điều chỉnh hướng cất, hạ cánh của 2 chuyến bay BL594, BL595 giữa Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh từ sân bay Cát Bi sang sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Ngoài ra, một số chuyến bay khác của hai hãng cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi.
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 sẽ được Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hỗ trợ theo quy định, nếu có yêu cầu sẽ được chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác (trong trường hợp còn chỗ).
Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cập nhật trong các bản tin tiếp theo. Hai hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 gồm Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hoá) và Vinh (Nghệ An) nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ các hãng hàng không.
“An toàn tuyệt đối cho hành khách và chuyến bay luôn được Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đặt lên hàng đầu. Chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm của hành khách trong trường hợp lịch khai thác phải thay đổi do ảnh hưởng của cơn bão số 2,” đại diện các hãng bay này nhấn mạnh.
*** Do ảnh hưởng của bão số 2, trong đêm 3/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to thậm chí mưa rất to.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết bão số 2 sẽ giữ nguyên vận tốc và sức gió khi tiến sâu vào đất liền, không có khả năng mạnh lên thêm. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng hiện tượng dông lốc, lũ quét, sạt lở do cơn bão có ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Điều đáng lo ngại là khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh những ngày tháng 6 vừa qua đã trải qua nắng nóng kỷ lục (từ ngày 3/6 – 1/7), thêm vào đó tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra cháy rừng. Khi mưa lớn xảy ra sẽ làm kết cấu đất trong những ngày nắng nóng bị phá vỡ dễ dẫn đến hiện tượng lũ bùn, lũ ống và lũ quét ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh".
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đêm 3, sáng 4/7 có mưa vừa, có nơi mưa to. Nhân dân ở các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn cần lưu ý đến hiện tượng dông lốc. Đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Sơn La và Hòa Bình.
Dự báo thời tiết các khu vực ngày và đêm 4/7
Phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng Sơn La, Hòa Bình có mưa to đến rất to. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực Đông Bắc và đồng bằng có mưa to đến rất to. Gió mạnh cấp 3-4, riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình sáng sớm còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió mạnh cấp 3-4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75-99%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, phía Bắc ngày có mưa to đến rất to, đêm có mưa rải rác; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3, riêng Thanh Hóa còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Độ ẩm từ 65-99%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26-29 độ C, phía Nam 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 53-93%. Nhiệt độ thấp nhất từ 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C.
Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 65-95%. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29-32 độ C.
Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 60-96%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Nam Định
Đến đêm qua 3/7, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền, vận động toàn bộ lao động ở các lều chòi nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao ngoài đê biển vào nơi tránh trú an toàn.
Khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn xã Giao Hải, huyện Giao Thủy từ trưa 3/7 đã không còn chỗ trống. Theo các ngư dân xã Giao Hải, sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về diễn biến phức tạp, khó lường cũng như khả năng bão có thể đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, các chủ tàu, thuyền, lao động trên biển đã ngừng mọi hoạt động khai thác, đánh bắt để đưa thuyền, bè vào bờ.
Anh Nguyễn Thế Anh ở xã Giao Hải cho biết, khi có bão gió to, biển động mạnh, việc đánh bắt trên biển vô cùng nguy hiểm, do đó để đảm bảo an toàn, anh cùng 4 thành viên đã đưa thuyền vào bờ từ tối 2/7.
Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Thành Mạnh cho hay, Giao Thủy có số lượng tàu thuyền và lao động làm nghề đánh bắt thủy hải sản lớn. Nhiều hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao ven biển.
UBND huyện đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn được phân công theo dõi, xuống cơ sở cùng với lãnh đạo các xã, thị trấn triển khai phòng, chống bão. Hiện 746 tàu thuyền với hàng nghìn lao động làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ lao động ở 667 lều, chòi nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao cũng đã được vận động, đưa vào bờ.
Tại huyện Hải Hậu, chính quyền địa phương và nhân dân đã chủ động các phương án ứng phó với bão. Hàng trăm lao động làm việc ở các ki-ốt ven biển tại Khu du lịch Thịnh Long và Hải Lý đã được di dời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Vũ Văn Kỳ thông tin, trên địa bàn huyện có 2 khu du lịch biển là: Thịnh Long và Hải Lý. Các xã, thị trấn đã cắt cử lực lượng thông báo, kêu gọi, đưa toàn bộ du khách vào nơi an toàn; bố trí lực lượng thường trực ngăn không cho tàu thuyền, ngư dân ở lại khu vực bên ngoài đê biển.
Theo lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng, tất cả 281 hộ dân ở khu vực ngoài đê Cồn Xanh đã được sơ tán vào trong đê. Toàn bộ tàu thuyền và lao động làm việc tại các lều, chòi trên địa bàn cũng đã vào bờ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn bộ 2.137 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động tỉnh Nam Định khai thác thủy hải sản trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Hơn 1.000 lều, chòi với trên 1.300 lao động nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao khu vực ngoài đê biển cũng đã vào bờ.
Nhằm ứng phó với mọi tình huống bất ngờ do thiên tai gây ra, Nam Định đã chuẩn bị trên 42.490 m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép và hàng trăm nghìn bao nilon, bạt chống tràn để xử lý các vị trí đê, kè có khả năng bị sạt, sụt.
Các địa phương trong tỉnh đã rà soát, lập danh sách các hộ dân đang sống trong khu nhà tạm, nhà yếu để sẵn sàng án di dân khi cần thiết...
Công điện khẩn
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 06/CĐ-TWPCTT gửi UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương và thành phố Hà Nội; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 2.
Nội dung Công điện nêu rõ: Hiện nay, bão số 2 (tên quốc tế là MUN) đang tiếp tục di chuyển về đất liền nước ta. Theo dự báo, bão số 2 có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt là một số tỉnh phía Tây Bắc Bộ.
Đây là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" tập trung vào một số nhiệm vụ:
Khu vực trên biển tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch); hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển; tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thuỷ, hải sản.
Khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ hải sản.
Các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào; triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, công trình cột tháp cao, bãi thải khai thác khoáng sản; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Khu vực miền núi, trung du tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thuỷ điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi sự cố xảy ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều...
Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Nhóm PV