Báo New York Times của Mỹ chỉ ra vấn đề lớn nhất của cầu thủ ĐT nữ Việt Nam là... lương
Trong bài viết đăng tải ngày 16/7, nhà báo Jere Longman của tờ New York Times nổi tiếng, đã có cái nhìn tổng quan về bóng đá nữ Việt Nam trong hành trình vươn tới vòng chung kết World Cup 2023, trong đó ông đánh giá rằng mức lương của các nữ cầu thủ còn thấp.
Báo New York Times của Mỹ: 'Mức lương của cầu thủ ĐT nữ Việt Nam còn thấp'
Bài viết của ký giả Jere Longman tóm lược về hành trình phát triển của bóng đá nữ Việt Nam khi lần đầu thành lập đội tuyển bóng đá nữ quốc gia vào năm 1997, trải qua một phần tư thế kỉ để vươn lên trở thành một trong những đội bóng thống trị bóng đá Đông Nam Á, và lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở vòng chung kết World Cup.
Trong đó, Longman nhìn nhận mức lương của cầu thủ nữ Việt Nam còn thấp. Ông viện dẫn trường hợp của Huỳnh Như.
Là cầu thủ duy nhất trong đội hình đội tuyển nữ Việt Nam chơi bóng ở châu Âu trong màu áo Lank FC, Huỳnh Như có thu nhập nổi trội hơn cả. Sau World Cup, Huỳnh Như dự kiến ký hợp đồng mới với Lank FC, với mức lương khả năng được tăng gấp đôi lên khoảng 3.200 USD/tháng (khoảng 76,8 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, mức lương trung bình cho các cầu thủ nữ ở Việt Nam là 200-300 USD (khoảng 5-7 triệu đồng). Mức lương đó thấp hơn GDP bình quân đầu người của đất nước, khoảng 3.756 USD/năm, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Các cầu thủ nữ Việt Nam phải làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Trước khi đến Bồ Đào Nha thi đấu, Huỳnh Như có một cửa hàng bán dừa sáp ở quê hương Trà Vinh.
Huỳnh Như hiện đã có các đối tác tài trợ. Các cầu thủ cũng đã được Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các nhà tài trợ thưởng cho những chiến tích gần đây. Số tiền thưởng không cố định, thường tùy vào thành tích, tùy vào giải đấu. Phần thưởng không hoàn toàn là tiền, có khi là nhà, xe. Tuy nhiên, sự chú ý của các nhãn hàng, nhà tài trợ dành cho bóng đá nữ, thực ra chỉ tập trung ở đội tuyển quốc gia và những ngôi sao như Huỳnh Như.
Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 100 CĐV đến sân theo dõi, điều đó khiến nhiều doanh nghiệp ngại tài trợ cho các đội bóng. Sự biến mất của đội bóng nữ Sơn La là minh chứng. Khi đội bóng gặp khó khăn, các cầu thủ bị giảm lương xuống mức thấp nhất là 130 USD (hơn 3 triệu đồng), thậm chí là 70 USD (1,6 triệu đồng)- thấp hơn cả mức lương của công nhân, dẫn đến việc các cầu thủ bỏ bóng đá, phải làm nghề khác để kiếm sống. Sau cùng, đội Sơn La chỉ còn 4 cầu thủ và giải thể.