Bao giờ phim Việt trên sóng giờ vàng sẽ lại hay?
Nửa cuối 2022, khung phim giờ vàng chào đón nhiều tác phẩm mới, được quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, chùm phim chưa đủ sức khiến khán giả hài lòng.
Giai đoạn 2021-2022, Hương vị tình thân và Thương ngày nắng về là những TV series “khuynh đảo” màn ảnh nhỏ. Chùm tác phẩm được mua bản quyền làm lại từ những kịch bản phim dài tập gây tiếng vang tại Hàn Quốc. Dù không tránh khỏi những hạt sạn về nội dung, về tổng thể, đây vẫn là những tác phẩm thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Trên mạng xã hội, chuyện tình giữa Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường) của Hương vị tình thân hay mỗi biến cố ập đến với gia đình bà Nga (NSƯT Thanh Quý) của Thương ngày nắng về đều trở thành chủ đề thảo luận hấp dẫn. Sự ủng hộ của khán giả dành cho hai TV series cũng có thể quan sát được qua việc nhà sản xuất quyết định nâng số tập so với thông báo ban đầu, kéo dài thời gian phim lên sóng.
Sau khi Thương ngày nắng về chính thức khép lại hồi đầu tháng 8, khung giờ phim vàng của đài truyền hình quốc gia chào đã đón nhiều tác phẩm mới lên sóng. Tuy nhiên, chưa có bộ phim nào trong danh sách này tạo ra được sức ảnh hưởng đại chúng như Hương vị tình thân hay Thương ngày nắng về đã từng.
'Thông gia ngõ hẹp' mờ nhạt, 'Hành trình công lý' liên tục bị chỉ trích
Mẹ rơm, Thông gia ngõ hẹp và Hành trình công lý là ba bộ phim truyền hình đang được phát sóng trên các khung giờ vàng phim truyện của VTV. Trong đó, Mẹ rơm được phát sóng trên VTV1, thay thế cho bộ phim Đấu trí vừa kết thúc. Thông gia ngõ hẹp và Hành trình công lý phát xen kẽ trên sóng VTV3.
Thông gia ngõ hẹp xoay quanh những mâu thuẫn trong hai gia đình sắp kết thành thông gia. Phim có sự góp mặt của NSƯT Chí Trung và NSND Trọng Trinh trong vai hai người bố của mỗi gia đình. Mâu thuẫn từ thời thanh niên cùng thói thù dai, cố chấp của hai người đàn ông suýt nữa đã đặt dấu chấm hết cho chuyện tình cảm giữa hai người con của họ.
Ý tưởng về “cuộc chiến” hài hước giữa các bậc phụ huynh, cùng những gương mặt diễn viên gạo cội từng giúp Thông gia ngõ hẹp ghi điểm với khán giả. Tuy nhiên, chỉ sau vài tập phim - chủ yếu xoay quanh chuyến đi thăm “nhà trai” đầy sóng gió của gia đình “nhà gái” - Thông gia ngõ hẹp đã để lộ nhiều điểm yếu trong khâu xây dựng kịch bản.
Nội dung phim rề rà, tình tiết lặp lại khiến câu chuyện trở nên luẩn quẩn, khó theo dõi. Phim càng dài, cuộc đối đầu giữa hai ông bố càng leo thang với nhiều tình tiết kém duyên, khiến khán giả không thể cười nổi dù chúng sinh ra với mục đích gây hài. Ngày 25/11, tập cuối của Thông gia ngõ hẹp đã lên sóng với cái kết có hậu cho tất cả nhân vật. Lối giải quyết này được khán giả nhận xét mới chỉ dừng lại ở mức tròn trịa chứ không có nhiều mới mẻ.
Hành trình công lý có thể coi là “bom tấn truyền hình” trong nửa cuối 2022 khi theo đuổi các câu chuyện pháp đình ít được phim truyền hình khai thác. Việc Hành trình công lý được việt hoá từ nguyên tác danh tiếng lẫy lừng The good wife của Mỹ cũng từng được coi là yếu tố bảo chứng chất lượng cho tác phẩm với Hồng Diễm thủ vai chính.
Tuy nhiên, ngay khi lên sóng, phim đã vấp phải chỉ trích từ dư luận do chứa cảnh nóng “nặng đô” nhưng không có cảnh báo trước cho khán giả. Khi tranh cãi này vừa tạm lắng xuống, Hành trình công lý tiếp tục bị chê vì kịch bản lê thê chuyện mâu thuẫn gia đình, phản ánh không chính xác công việc của một luật sư. Hình tượng nữ chính do Hồng Diễm đảm nhận cũng bị chê là quá ngây thơ, để tình cảm che mờ lý trí. Tổng thể, bản làm lại của Việt Nam bị xem là phá hỏng nguyên tác Mỹ.
Mẹ rơm thuộc nhóm không nhiều phim giờ vàng lấy bối cảnh vùng nông thôn phía Nam. Nhân vật chính của phim là Mô (Thái Hoà) - một anh nông dân nghèo khổ, không mẹ không cha. Số phận càng trêu ngươi khi bắt anh bị gù. Mô đem lòng thầm yêu một cô gái trong làng nhưng bị cự tuyệt. Dù vậy, anh vẫn hết lòng lo lắng cho cô. Tới độ sau khi người thương mất tích, Mô sẵn sàng nuôi đứa con rơi mà cô bỏ lại.
Tác phẩm với Thái Hoà trong vai chính khơi gợi được đồng cảm của khán giả nhờ cốt truyện giản dị, nhân văn. Xếp bên cạnh một Thông gia ngõ hẹp nhạt nhoà và Hành trình công lý vấp phải quá nhiều tranh cãi, Mẹ rơm là tác phẩm chất lượng hơn cả trên khung giờ phim vàng VTV trong hiện tại. Tuy nhiên, phim gặp khó khăn khi tiếp cận đối tượng khán giả trẻ do thiếu các gương mặt trẻ trung cũng như một câu chuyện quen thuộc với nhịp sống ở các đô thị.
Quỳnh Kool và Bình An có làm nên chuyện?
Bộ phim nối sóng Thông gia ngõ hẹp là Đừng làm mẹ cáu, dự kiến phát sóng từ ngày 1/12 trên sóng truyền hình quốc gia. Chiều ngày 25/11, đoàn phim đã tổ chức họp báo ra mắt khán giả. Đây là bộ phim thứ hai mà Quỳnh Kool và Bình An đóng chung trong năm nay. Trước đó, hai diễn viên vào vai một cặp tình nhân đã sớm đường ai nấy bước trong Ga-ra hạnh phúc.
Trong Đừng làm mẹ cáu, Quỳnh Kool vào vai Hạnh - một cô gái bất đắc dĩ phải nuôi nấng con gái của chị sau khi mẹ bé không may qua đời. Gia cảnh khó khăn phải làm đủ nghề để kiếm sống, lại phải đèo bòng thêm một đứa trẻ, cuộc sống của người mẹ trẻ không hề dễ dàng. Cuộc sống của hai mẹ con lại thêm một lần xáo trộn khi có thêm sự xuất hiện của Quân (Nhan Phúc Vinh) - một người đàn ông lớn lên với định kiến về người mẹ đã bỏ rơi mình.
Ngoài Hạnh, Đừng làm mẹ cáu cũng có sự xuất hiện của một cô gái trẻ chưa sẵn sàng làm mẹ khác là Vy (Quỳnh Lương). Vy lấy Quân (Bình An) rồi có con chỉ vì trót mang thai. Dù đã là vợ chồng, nhưng Vy và Quân vẫn duy trì lối sống như thời còn son rỗi, ai lo việc người nấy và chỉ có đứa con là giao điểm duy nhất.
Ngoài Đừng làm mẹ đã chốt lịch phát hành, một dự án truyền hình khác cũng đang được sản xuất để trình chiếu trên VTV là Cô thợ bánh. Hôm 24/11, dự án Cô thợ bánh công bố gương mặt nữ chính là Trình Mỹ Duyên. Đây là lần đầu tiên nữ diễn viên góp mặt trong một dự án phim của VFC. Bạn diễn của Trình Mỹ Duyên là Đình Tú, Mạnh Trường, Lương Thanh, Thùy Anh…
Hiện tại, nội dung của Cô thợ bánh vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” qua những gương mặt diễn viên chính, có thể đoán đây tiếp tục là một TV series tâm lý xã hội với trọng tâm là một câu chuyện về tình yêu và tuổi trẻ. Tuy nhiên, Cô thợ bánh được đặt kỳ vọng vì đạo diễn của tác phẩm - nhà làm phim Bùi Tiến Huy - chính là người ngồi ghế chỉ đạo của TV series Thương ngày nắng về.
Có thể thấy, trong tương lai gần, chùm phim giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia sẽ quay trở về với thế mạnh là những tác phẩm tình cảm, lãng mạn với dàn nhân vật chính trẻ trung, câu chuyện lấy bối cảnh đô thị hợp thị hiếu khán giả đại chúng. Cổ nhân có câu “Trăm hay không bằng tay quen”. Việc các nhà làm phim quay trở về với địa hạt quen thuộc có thể coi như một sự đảm bảo cho chất lượng các tác phẩm sắp lên sóng.
Đừng làm mẹ cáu hay Cô thợ bánh có thể hay nức nở, nhưng cũng có thể dừng lại ở mức tròn trịa. Nhưng ở một mức độ nào đó, ta biết chắc các nhà làm phim đang hiểu rõ những gì họ làm, câu chuyện họ kể thay vì một sự loay hoay thấy rõ như những gì đang xảy ra với Hành trình công lý hay Thông gia ngõ hẹp.
Tuy nhiên, việc trở lại vùng an toàn cũng dẫn đến những rủi ro lường trước được. Quan sát những hình ảnh đầu tiên của chùm phim, khán giả dễ dàng nhận ra một số mô-típ quen thuộc như hoàng tử Lọ Lem, oan gia ngõ hẹp, chuyện tình tay ba… Điều này làm dấy lên câu hỏi nếu không có thay đổi trong thể loại, vẫn chỉ có chừng ấy câu chuyện, chừng ấy diễn viên, thì chùm phim sắp lên sóng còn ấp ủ được điều gì để khiến khán giả bất ngờ.