Bao giờ 'Giai điệu mùa Thu' vang lên trong nhà hát đạt chuẩn?
Vượt qua muôn vàn khó khăn, các nghệ sĩ vẫn say sưa cống hiến. Nhưng đến bao giờ thì những giai điệu tuyệt vời của Giai điệu mùa Thu - một thương hiệu văn hóa - được vang lên trong nhà hát đạt chuẩn?
Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa Thu được tổ chức hai năm một lần. Ở kỳ 2022, liên hoan diễn ra từ ngày 10 - 17/9 với chuỗi các chương trình nghệ thuật trong hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm.
“Giai điệu mùa Thu” - Khát vọng xây dựng thương hiệu văn hóa
Trao đổi tại tọa đàm chiều 13/9 về âm nhạc cổ điển trong khuôn khổ Festival Giai điệu mùa Thu 2022, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH,TT TP.HCM đánh giá rất đáng tự hào về những thành tựu của Giai điệu mùa Thu, vì thế UBND TP.HCM đã chọn Festival là một trong 19 sự kiện tiêu biểu của TP.HCM. “Chúng tôi rất tự hào vì những hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo mà Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM đã làm được”.
Nhưng Phó Giám đốc Sở VH,TT TP.HCM cũng cho rằng cần nhìn nhận lại một số quan niệm khi có một số người mặc định đây là dòng nhạc “kén người nghe”, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập. “Đêm hòa nhạc thanh xướng kịch Carmina Burana tối 11/9, nhìn xuống hàng ghế khán giả kín hết không còn một chỗ trống, thực sự vô cùng xúc động, khó có thể nói rằng âm nhạc cổ điển kén người nghe. Với khát vọng xây dựng thương hiệu văn hóa nghệ thuật cho TP.HCM, trách nhiệm đặt lên vai ban lãnh đạo Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch sẽ nặng nề hơn rất nhiều và chúng ta cũng cần những giải pháp căn cơ hơn, triệt để hơn” - NSƯT Thanh Thúy nhấn mạnh.
Bởi không chỉ đơn giản như nghe những ca khúc dễ nghe, “bắt tai”, để khán giả có thể hiểu và yêu các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao là cả một quá trình, trong đó có công tác đào tạo khán giả.
Bày tỏ tại tọa đàm, ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Duy Linh - nhạc sĩ, Trưởng phòng Tổ chức Biểu diễn Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM thì không nên nói mãi rằng đây là một dòng nhạc hàn lâm, khó thưởng thức, xa cách với đời sống. Theo ông, đúng là âm nhạc cổ điển xuất phát từ phương Tây nhưng bây giờ đó đã không còn là loại hình riêng của phương Tây nữa, bằng chứng là nhiều năm gần đây các nghệ sĩ dẫn đầu tại các cuộc thi âm nhạc toàn cầu như Tchaikovsky đều thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc… và một số quốc gia châu Á khác.
“Hãy nghĩ rằng âm nhạc là ngôn ngữ chung để trao đổi văn hóa giữa các quốc gia” - ông nói.
PGS Hoàng Cương - nhạc sĩ, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cũng đồng thuận với quan điểm này của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. “Mọi người đều có thể mê âm nhạc cổ điển như mê đá bóng vậy dù đá bóng cũng xuất phát từ châu Âu nhưng nay đã trở thành một môn thể thao toàn cầu. Từ chỗ chỉ có thể dàn dựng những vở diễn đơn sơ, đến nay có thể dàn dựng những vở thanh xướng kịch lớn như Carmina Burana vừa rồi, với sự tham dự của đoàn giao hưởng và hai dàn hợp xướng với trình độ biểu diễn cao ngang tầm thế giới như thế, thực sự đáng tự hào. Để có được những vở diễn lớn như hiện nay, không thể không kể đến công sức đào tạo rất nhiều lớp nghệ sĩ. Và quan sát những hàng ghế khán giả nhiều năm gần đây, cũng không thể nói rằng lĩnh vực này kén khán giả”.
Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM nhớ lại: “Vào những năm 1900, người Pháp đã xây dựng 3 Nhà hát lớn ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Sài Gòn - TP.HCM từ năm 1990 trở về trước chưa có dàn nhạc giao hưởng hoạt động độc lập, mới chỉ có dàn nhạc thính phòng trực thuộc Nhạc viện TP.HCM. Cho đến năm 1993, TP.HCM mới ra quyết định thành lập dàn nhạc. Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM đã hình thành và biểu diễn những buổi hòa nhạc đầu tiên tại sân khấu này. Vở cải lương đầu tiên của chúng ta cũng đã được trình diễn trên chính sân khấu này”.
“Năm 1996, khi tôi về Việt Nam thì dàn nhạc giao hưởng lúc đó cũng mới chỉ có hơn mười nghệ sĩ, chưa có nhạc cụ, phòng tập, trang phục… Bắt đầu từ con số không, Nhà hát đã xây dựng nên dàn nhạc thính phòng, đoàn vũ kịch và bây giờ là một nhà hát có tới 3 bộ môn nghệ thuật bao gồm giao hưởng thính phòng, nhạc kịch và vũ kịch” - NSƯT Trần Vương Thạch xúc động kể lại.
“Vũ kịch đầu tiên hình thành được có múa, có cảnh trí, có câu chuyện là Ngọc trai đỏ (NSND Vũ Việt Cường và NSND Kim Quy), nhạc kịch đầu tiên là Người giữ cồn của nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Biết bao thế hệ nghệ sĩ đã đổ mồ hôi, công sức dàn dựng, hoạt động, đến nay Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đã ghi tên mình vào danh sách các dàn nhạc châu Á, chúng ta không nên nhìn vào những nhận xét tiêu cực của những người không đến với nghệ thuật, không hiểu nghệ thuật” - nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch nhấn mạnh.
NSƯT Trần Vương Thạch dẫn dắt: “Chương trình Giai điệu mùa Thu lần thứ nhất, giao hưởng Trở về đất mẹ còn ghi lại những hình ảnh hội tụ của những người con tài năng của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới cùng trở về và biểu diễn. Sau đó, Giai điệu mùa Thu đã mời thêm rất nhiều nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, có những lần Festival chúng ta đã mời hàng trăm nghệ sĩ nước ngoài, có lần đã mời được cả một dàn nhạc kèn tới từ Na Uy. Rõ ràng, Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm đã xây dựng được các nhạc viện và các dàn nhạc, hình thành nên đời sống âm nhạc tại hai TP lớn nhất đất nước”.
"Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, và nhất quán với quan điểm rằng, TP.HCM rất cần xây một nhà hát đạt chuẩn" (NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH,TT TP.HCM) |
Không xây nhà hát thì thiệt cho khán giả
“Nếu có cơ hội bước vào những phòng hòa nhạc trên thế giới, thì mới hiểu là phải thương người Việt Nam mình đến thế nào, vì quyền thưởng thức nghệ thuật và giải trí ở mức độ cao là quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Không xây nhà hát thì chúng tôi vẫn đang là Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch, nhưng ở đây là xây phòng hòa nhạc.
Xây phòng hòa nhạc là xây cho khán giả. Không có phòng hòa nhạc, nghệ sĩ chúng tôi vẫn có thể biểu diễn ở các sân khấu đã có hoặc thậm chí có thể biểu diễn ngoài trời. Nhưng thiệt thòi là khán giả Việt không có được những không gian đạt chuẩn để thưởng thức nghệ thuật. Và nếu không có những phòng hòa nhạc đạt chuẩn thì chúng ta cũng không thể đón chào các nghệ sĩ quốc tế đến đây, và hệ quả là người dân, công chúng không có được cơ hội giao lưu với âm nhạc quốc tế” - nghệ sĩ Tăng Thành Nam nhấn mạnh.
Nghệ sĩ TP.HCM mong mỏi, chờ đợi một nhà hát đạt chuẩn đã rất lâu, trên 40 năm rồi. Chia sẻ đồng cảm với các nghệ sĩ, NSƯT Thanh Thúy bày tỏ: “Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đã được rà soát nằm trong số những dự án chưa thể giải ngân được, đây là dự án trọng điểm của TP, đã có rất nhiều ý kiến từ phía các anh chị nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp đã lên tiếng. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, và nhất quán với quan điểm rằng, TP.HCM rất cần xây một nhà hát đạt chuẩn, cũng như cần thêm nữa các thiết chế văn hóa xứng tầm với một đại đô thị, để có thể mang tới cho khán thính giả những sản phẩm nghệ thuật đúng tầm”.
- Màn 'tái xuất' ấn tượng của 'Giai điệu mùa thu' lần thứ 13
- Những khoảnh khắc đáng nhớ của 'Giai điệu mùa thu' 2017
- Kết thúc Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa Thu: Vừa vui vừa tiếc
“Người dân chúng ta có quyền bình đẳng được hưởng thụ nghệ thuật trong nhà hát đạt chuẩn, trong đó có cả các thiết bị đạt chuẩn để khán giả có thể cảm nhận chính xác những ý đồ nghệ thuật được gửi gắm. Điều đó sẽ cần cả một bộ máy vận hành, khai thác đúng mức như thế nào để không phí phạm. Đừng đặt lại vấn đề về chuyện có cần thiết hay không, và chúng ta có đủ nguồn lực và con người hay không. Hãy cùng chúng tôi lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của nghệ thuật để cùng hướng tới những giá trị văn hóa. TP đang tạm dừng dự án này để chăm lo cho đời sống người dân hậu Covid-19, nhưng lãnh đạo TP và Sở Văn hóa Thể thao vẫn đang nỗ lực theo đuổi dự án này”.
“Cháy vé” toàn bộ các đêm diễn Liên hoan Nghệ thuật Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch “Giai điệu mùa Thu” được tổ chức hai năm một lần. Ở kỳ Festival 2022, liên hoan diễn ra từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 9 năm 2022 với chuỗi các chương trình nghệ thuật trong hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm. Đêm khai mạc tối 10/9, các nghệ sĩ trình bày những ca khúc nổi bật của Việt Nam gây xúc động trong lòng người nghe như “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn do NSND Tạ Minh Tâm trình bày, và Tiếng hát từ thành phố mang tên người, Khát vọng, Thành phố tôi yêu, Giai điệu tổ quốc, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người... với sự thể hiện của các nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc, Phạm Khánh Ngọc, Phạm Trang, Phạm Duyên Huyền, Đào Mác, Trần Thanh Nam, Võ Nguyễn Thành Tâm, Phan Hữu Trung Kiệt ... song hành cùng những thành tựu của âm nhạc thế giới với những tác phẩm nổi bật của những tên tuổi lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới như G. Puccini, G. Rossini, D. Donizetti, W.A. Mozart, G. Verdi… Đêm diễn 11 tháng 9 giới thiệu vở thanh xướng kịch Carmina Burana (Vòng quay may mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff, trình diễn bởi dàn giao hưởng, hai dàn hợp xướng và những soloist tài năng - giọng nam cao xuất sắc người Nga Yury Rostotsky, giọng nam trung Konstantin Brzhinsky trình diễn cùng giọng nữ cao xuất sắc, nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc (Giải Nhì cuộc thi thanh nhạc Asean 2016) đã trở thành điểm nhấn trong lĩnh vực nhạc kịch. Vở Múa Kiều (trình diễn tối 16/9) sau khi đoạt Giải đặc biệt tại Liên hoan Liên hoan Ca múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2022 với một diện mạo mới và sức quyến rũ “nóng bỏng” đã lập tức “cháy vé”. Múa Kiều dựa trên nội dung tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được dàn dựng lần đầu tiên vào năm 2020, có sự tham gia biểu diễn bởi các nghệ sĩ múa xuất sắc: NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Hồ Phi Điệp và NSƯT Đàm Đức Nhuận, cùng các nghệ sĩ Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Đặng Minh Hiền, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Minh Tâm, Phan Thái Bình, Hà Ôn Kim Tuyền và những nghệ sĩ khác. Đêm hòa nhạc bế mạc 17/9 chất lượng rất cao, biểu diễn tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại L.v.Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov, với sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời tài năng: NSƯT. Bùi Công Duy (Hà Nội), Nguyễn Trinh Hương (Hà Nội), Dmitry Feygin (Nhật Bản). |
Hòa Bình