Bangkok chuẩn bị chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu
Bộ Y tế Thái Lan đã thông báo cho các nhà chức trách thủ đô Bangkok chuẩn bị chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sau khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong giảm mạnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 3/5 là ngày thứ hai liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 10.000 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tình hình COVID-19 ở thủ đô Bangkok cũng đang được cải thiện.
Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết số ca mắc mới ở thủ đô ngày càng giảm là do phổ cập tiêm vaccine phòng bệnh cũng như các chương trình cách ly tại nhà và cho phép bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
Theo ông Kiattiphum, tuyệt đại đa số người dân Bangkok đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản, trong đó 60% cư dân đã tiêm ít nhất một mũi tăng cường.
Tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy thủ đô Bangkok đã sẵn sàng chuyển sang quản lý COVID-19 như là một bệnh đặc hữu.
Hiện Bộ Y tế Thái Lan đang làm việc với các cơ quan liên quan ở Bangkok để từng bước giảm bớt các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19.
Việc chuyển sang các biện pháp kiểm soát bệnh đặc hữu sẽ tập trung vào quản lý những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như công viên, quán rượu, quán bar và phương tiện giao thông công cộng. Chiến lược này sẽ giúp chuyển đổi thuận lợi sang các điều kiện bệnh đặc hữu của COVID-19.
Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum cho biết thêm rằng chương trình phổ cập tiêm chủng và phòng ngừa bệnh sẽ gồm tiêm vaccine cho tất cả các nhóm cư dân và đảm bảo đủ giường bệnh, nhân viên y tế và vật tư y tế.
- Dịch Covid-19: Thái Lan xác nhận các trường hợp nhiễm đồng thời hai biến thể
- Dịch Covid-19: Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao chưa từng thấy
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần và hầu hết những người không qua khỏi đều là những người chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều.
Theo số liệu cập nhật ngày 3/5, trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 77 trường hợp tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3.
Theo Giám đốc bộ phận dịch tễ học của Cục Kiểm soát dịch bệnh Chakkarat Pittayawong-anont, tỷ lệ tử vong trong 2 tuần qua là 0,14% trong tổng số các ca nhiễm. Bộ Y tế Thái Lan hiện chỉ thông báo những bệnh nhân tử vong do nguyên nhân trực tiếp là COVID-19 do biến thể Omicron khác với biến thể Delta.
Bệnh nhân mắc biến thể Delta thường phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, vì vậy hầu hết những người mắc bệnh mãn tính không thể chống chọi với virus.
Tuy nhiên, biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn, vì vậy điều quan trọng là phải xác định xem bệnh nhân tử vong là do virus hay do biến chứng từ bệnh mãn tính.
Ông Chakkarat cho biết vaccine là cần thiết để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, vì ở một người được tiêm chủng đầy đủ, nguy cơ tử vong do COVID-19 giảm xuống 5 lần. Những người đã tiêm mũi thứ ba giảm được 31 lần nguy cơ tử vong.
Ông cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi các trường học mở cửa trở lại vào cuối tháng này. Hơn 2 triệu trẻ em ở Thái Lan vẫn chưa được tiêm chủng.
Tính đến ngày 2/5, Thái Lan đã tiêm được 133,92 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Chính phủ Thái Lan cho biết 81% dân số nước này hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 73,8% được tiêm ít nhất 2 liều và 37,7% được tiêm ít nhất một liều tăng cường.
Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 4.281.536 ca nhiễm, trong đó có 28.778 người không qua khỏi.
Ngọc Quang/TTXVN