Bằng tốt nghiệp loại giỏi chưa chắc là nhân viên tốt: 4 năm đại học chưa là gì, cần học cả đời mới có thể thăng tiến
Các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm được các ứng viên xuất sắc, phù hợp với công ty. Thế nhưng vô hình chung họ thường đặt nặng vấn đề bằng cấp nên nhiều ứng viên cũng mất đi cơ hội làm việc.
Khi trưởng thành ai nấy đều mong muốn tìm kiếm được một công việc phù hợp và có thể gắn bó lâu dài. Thế nhưng một thực trạng diễn ra là nhiều nhà tuyển dụng đang đặt nặng vấn đề bằng cấp của các ứng viên.
Trong xã hội, một ứng viên có bằng tốt nghiệp loại xuất sắc hay giỏi sẽ có nhiều lợi thế hơn người chỉ có bằng tốt nghiệp loại khá. Tương tự như vậy, những người có bằng tốt nghiệp đại học cũng dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn chỉ tốt nghiệp cấp 3. Trong một số công việc ngành nghề đặc thù, không có bằng tốt nghiệp cao đẳng/đại học còn không có cơ hội vào làm việc.
Dù đúng là các trường đại học, cao đẳng đang cung cấp một lượng lớn lao động mỗi năm, thế nhưng nếu tấm bằng đại học chỉ là một “vé thông quan” thì liệu rằng chất lượng nhân lực có còn tốt hay không. Đó cũng sẽ thành một rào cản chia tách những nhân lực lành nghề, có thực lực với nhà tuyển dụng.
Hơn nữa, nghiên cứu từ LinkedIn cho thấy người lao động từng theo học ở các trường đại học danh giá sẽ có mối quan hệ xã hội ổn hơn, giúp họ có lợi thế trong việc tìm kiếm việc làm. Điều này cũng mang lại bất lợi cho một số ứng viên vì không có nhiều mối quan hệ, sự quen biết và giới thiệu.
Nhìn chung, chưa chắc một người học lực giỏi ở trường đã là ứng viên tuyệt vời, phù hợp với nhà tuyển dụng. Cũng không ai dám khẳng định rằng người lao động không có tấm bằng sáng chói là không hoàn thành tốt công việc.
Vì vậy hiện tại chính là thời điểm mà các nhà tuyển dụng nên thay đổi cách làm việc của mình. Đã đến lúc không nên đặt nặng về vấn đề bằng cấp, thay vào đó hãy xem xét năng lực, thái độ, kinh nghiệm thực tế của ứng viên. Nhà tuyển dụng nên cởi mở hơn trong việc thiết lập và đánh giá đội ngũ ứng viên. Bằng cách này họ sẽ sớm tìm được một đội ngũ linh hoạt hơn và khách quan hơn. Đặc biệt, dưới đây là hai lợi ích chính mà các công ty nhận được khi không quá đặt nặng vấn đề bằng cấp.
1. Nguồn tài năng rộng lớn hơn
Nếu như các công ty không quá coi trọng bằng cấp chắc chắn nguồn tài năng sẽ rộng lớn hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Opportunity@Work, nếu như dùng bằng cấp để đánh giá người lao động, nhà tuyển dụng đang mất đi khoảng một nửa lực lượng lao động. Trong khi đó, nhiều người lao động không qua trường lớp và bằng cấp cao nhưng có thể họ đi làm từ sớm, làm nhiều ngành nghề khác nhau và cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế.
2. Lực lượng lao động mạnh hơn
Việc không quá coi trọng bằng cấp mà tìm hiểu ứng viên thông qua kiến thức, kỹ năng thực tế cũng tạo ra lực lượng lao động mạnh hơn. Bằng cấp là một thành tích mà bạn đạt được nhưng khi làm việc bạn cần nhiều hơn hai chữ “kiến thức”.
Đặc biệt, xã hội phát triển cũng kéo theo con người ta phải không ngừng học hỏi, không ngừng tiếp thu, cập nhật vốn hiểu biết của bản thân và những kỹ năng liên quan để ngày càng hoàn thiện. Muốn trở nên xuất chúng, học tập trung ở trường là không đủ, bạn cần phải có nhiều va vấp thực tế để trưởng thành hơn.
Khi “tiếp thu” cả những người lao động không có bằng cấp cao và cho họ thời gian thể hiện năng lực, nhà tuyển dụng cũng đang cho chính mình cơ hội có được các ứng viên “nặng ký”.
Cuộc sống, thị trường biến động không ngừng. Vậy nên nếu như cứ giữ cách tư duy cũ nhiều nhà tuyển dụng dễ tụt hậu và đánh mất những ứng viên tiềm năng. Hãy đề cao yếu tố năng lực, kỹ năng hơn là những lý thuyết sáo rỗng và xa rời thực tế. Bằng cấp cũng chỉ thể hiện được một phần năng lực của người lao động vì yếu tố quan trọng nhất chính là phải học hỏi cả đời, cả sự nghiệp.