Bán xe ở Mỹ có dễ như bóc kẹo? Loạt xe châu Âu phải chật vật sống, bàn giao sớm hay muộn đều có vấn đề
Câu chuyện bán xe ở Mỹ không dễ như người ta tưởng. Có những mẫu xe châu Âu nhưng chưa vượt qua được cái bóng của chính mình khi bước qua bờ Đại Tây Dương.
Trong lịch sử, yêu cầu về mua sắm xe hơi ở hai bên bờ Đại Tây Dương luôn rất khác nhau. Có những mẫu xe Bắc Mỹ không được chào đón ở châu Âu, và ngược lại. Hãy cùng điểm danh một số dòng xe Châu Âu chật vật bon chen nơi Bắc Mỹ.
1. Audi 5000
Nguồn: AutoTrader
Chiếc Audi 5000 thế hệ thứ hai, đáng ra sẽ đắt như tôm tươi, nếu nó không "bị nổi tiếng" bất đắc dĩ vì lý do "tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn".
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) của Mỹ cho rằng xe đã bị lỗi hệ thống điều khiển bàn đạp, khiến cho người dùng đạp nhầm chân ga, thay vì chân phanh. Mặc dù không xác định được lỗi từ khâu nào, nhưng lỗi đã gây ảnh hưởng không chỉ riêng mẫu Audi 5000 mà cả danh tiếng của Audi tại Mỹ.
Doanh số của thương hiệu này giảm mạnh, từ hơn 74.000 chiếc vào năm 1985 xuống còn khoảng 13.000 chiếc vào năm 1991 và chưa hồi phục được danh tiếng vốn có. Cho đến nay ở Mỹ, Audi vẫn phải xếp sau BMW, Mercedes và Lexus về số lượng xe bán ra.
2. Fiat 124 Spider
Fiat 124 Spider được coi là họ hàng gần với Mazda MX-5, vì cùng được sản xuất ở Hiroshima, Nhật Bản, chỉ khác là Fiat 124 Spider được trang bị động cơ Fiat tăng áp.
Trong ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ, thời gian tối ưu giữa một chiếc xe đến đại lý và tìm được khách hàng được coi là 60 ngày. Nếu ít hơn 60 ngày thì có vấn đề từ phía nhà cung cấp, nhưng nếu nhiều hơn chứng tỏ xe không được quan tâm trên thị trường.
Vào năm 2019, con số này của Fiat 124 Spider được báo là 461 ngày. Nhìn chung, người Mỹ đơn giản là không quan tâm đến chiếc xe, số lượng bán ra chưa bao giờ vượt quá 4500 chiếc được mua ở Mỹ trong một năm. Trong khi, doanh số bán hàng ở châu Âu có đến hai lần vượt quá 7500 chiếc một năm.
3. Maybach
Maybach 62 S. Nguồn: Bentley Gold Coast
Sau khi để lỡ cơ hội mua lại thương hiệu Bentley và Rolls-Royce cho các đối thủ cạnh trạnh ở quê nhà, Daimler (đơn vị sở hữu thương hiệu Mercedes), cho ra mắt phiên bản Maybach 57 trục cơ sở dài và phiên bản 62 trục cơ sở dài hơn nhằm thâm nhập thị trường xe hơi siêu sang. Dự án bắt đầu vào đầu thế kỷ 21 và cuối cùng đã bị hủy bỏ vào năm 2013.
Nhưng không chỉ ở riêng Mỹ, mà ngay cả nhiều nơi trên thế giới, nhu cầu dành cho Maybach chưa bao giờ đạt được như kỳ vọng của nhà sản xuất. Mục tiêu bán ra 200 chiếc mỗi năm tại một quốc gia có dân số gấp cả triệu lần hóa ra lại là một mục tiêu khó với thương hiệu Đức. Câu chuyện tương tự với Roll-Royce dễ dàng hơn nhiều, và thương hiệu này đã tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại Mỹ sau khi Maybach sụp đổ.
Ngày nay, cái tên Maybach chủ yếu tồn tại là một biến thể siêu sang trên một số dòng xe Mercedes như S-Class và GLS-Class.
4. Renault Dauphine
Nguồn: Auto-Data
Dauphine có một khởi đầu rất thuận lợi về doanh số tại Mỹ, với doanh số hàng năm tăng chóng mặt với con số 100.000 chiếc (một con số tuyệt vời đối với một chiếc ô tô nhập khẩu vào cuối những năm 1950).
Nhưng chất lượng lắp ráp của chiếc xe lại không đáp ứng được thói quen đi lại của người Mỹ, thường xuyên di chuyển một hành trình rất dài. Dẫn đến nhiều công ty tài chính không muốn hỗ trợ trả góp cho chiếc xe này, khiến hàng chục ngàn chiếc Dauphines "nằm chơi" trên khắp đất nước.
Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của Renault, dù sau đó được phục hồi nhờ việc tung ra mẫu Renault 4 vô cùng thành công vào năm 1961 – nhưng Renault chưa bao giờ nhập khẩu mẫu xe đó vào Mỹ.
5. Yugo
Nguồn: AutoCar
Dựa trên công nghệ của hãng Fiat nhưng được sản xuất tại Nam Tư cũ, thoạt nhìn, Yugo dường như không phải là thứ mà người Mỹ sẽ quan tâm. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu xe đã đạt được thành công ngoài mong đợi, phần lớn là do chiếc xe rẻ một cách đáng kinh ngạc, chỉ dưới 4000 đô la, hoặc hơn 10.000 đô la theo giá trị hiện giờ.
Từ khi xuất hiện vào năm 1985, doanh số đã nhanh chóng tăng lên gần 50.000 chiếc trong vòng hai năm. Sau đó, có thể người tiêu dùng nhận ra chiếc xe không có chất lượng như mong đợi, hoặc là cũng có nhiều xe của Mỹ có lựa chọn tốt hơn, cộng thêm việc Chiến tranh ở Nam Tư đã khiến việc nhập khẩu bị đình trệ, khiến xe dần mất đi sức hút. Hiện nay, đối với người Mỹ trên 40 tuổi, cái tên Yugo chỉ còn mang ý nghĩa chỉ những kẻ cục mịch.
Nguồn: Autoblog
Có cả những lý do khách quan và chủ quan của người Mỹ trong việc mua sắm xe hơi. Dù vì lý do gì thì những câu chuyện về những chiếc xe Châu Âu trên đất Mỹ sẽ còn được nghiên cứu và tìm hiểu, để những chiếc xe châu Âu và từ các quốc gia khác học tập và tìm được cách vươn mình nơi xứ người.