Ban nhạc Red Hot Chili Peppers: Hành trình kỳ lạ qua 4 thập niên
Quá kỳ lạ, quá độc đáo - đó là cách mà nhiều nhà phê bình âm nhạc đánh giá Red Hot Chili Peppers khi ban nhạc bắt đầu hoạt động vào năm 1983. Và sau 5 năm tạm nghỉ, vừa qua, ban nhạc này đã trở lại lưu diễn, với chuyến dừng chân tại Cologne (Đức) hôm 5/7.
Ban nhạc đến từ California (Mỹ) này do những người bạn thời thơ ấu Anthony Kiedis và Michael “Flea” Balzary thành lập nên và tồn tại vượt qua thử thách của thời gian. Mặc dù từng phải đối mặt với cái chết, việc lạm dụng ma túy và các cuộc “đối đầu” không ngừng nghỉ với các ban nhạc khác, Red Hot Chili Peppers đã thành công để bước qua 2 thế kỷ.
Trở lại đỉnh cao
Đầu tháng 4 vừa qua, ban nhạc đã phát hành Unlimited Love - album phòng thu thứ 12 của họ, với sự trở lại của nghệ sĩ guitar John Frusciante sau gần 15 năm tách khỏi ban nhạc. Ngoài ra album còn có sự tham gia của nhà sản xuất Rick Rubin - người đã sản xuất các album của Red Hot Chili Peppers kể từ đầu những năm 1990, trong đó có huyền thoại Blood Sugar Sex Magik.
Unlimited Love đã ra mắt ở vị trí quán quân tại 10 nước, trở thành album đầu tiên chiếm số 1 của Red Hot Chili Peppers trên bảng xếp hạng Mỹ kể từ album Stadium Arcadium. NME viết rằng Unlimited Love đã cho thấy “cách tạo âm hưởng, điệp khúc và giai điệu nhẹ nhàng”. Còn nghệ sĩ Frusciante cho biết ban nhạc đã thu âm gần 50 bài hát và có kế hoạch cho một album tiếp theo.
Kể từ tháng 6 năm nay, Red Hot Chili Peppers tiếp tục lưu diễn khắp thế giới và chứng tỏ rằng gần 40 năm sau khi thành lập, ban nhạc vẫn có thể thu hút đám đông bằng sự kết hợp của punk, funk metal, rap metal, rap rock, nu mental và một chút “ma thuật”.
Nói về các chương trình biểu diễn trên sân khấu, một trong những thương hiệu của ban nhạc là thiên hướng biểu diễn... không mặc áo của họ, cho dù tại Super Bowl 2014 hay lần ghi tên Sảnh Danh tiếng rock’n’roll hồi năm 2012. Cho đến đầu những năm 2000, đôi khi Red Hot Chili Peppers vẫn không mặc áo khi biểu diễn. Phong cách này bắt đầu từ năm 1983 tại một trong những buổi hòa nhạc đầu tiên của họ. Vào thời điểm đó, ban nhạc chơi tại câu lạc bộ thoát y Kit Kat Club nổi tiếng ở Hollywood và quyết định rằng làm như vậy để thuận theo “guồng” của khung cảnh trong câu lạc bộ. Sau đó, nhiều người đến câu lạc bộ không chỉ vì âm nhạc mà còn vì những buổi biểu diễn ít trang phục của họ.
Rắc rối vì chứng nghiện ma túy
Sau khi ra mắt năm 1983, dần dần, Red Hot Chili Peppers đã tạo dựng được tên tuổi nhiều hơn với các hợp đồng biểu diễn mở rộng. Nhưng kèm theo đó, việc lạm dụng ma túy của các thành viên trong ban nhạc cũng trở nên nhiều hơn. Trong khi tay bass Flea dính vào cần sa, ca sĩ Anthony Kiedis và nghệ sĩ guitar Hillel Slovak lại rất thích những loại ma túy nặng đô hơn. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn năm 1999 cho VH1- Behind The Music, Kiedis cho biết anh đã thử heroin lần đầu tiên khi mới 14 tuổi.
Thực tế, ca sĩ này bắt đầu hút cần sa thường xuyên khi còn là một thiếu niên. Kiedis đã gặp những cậu bé sau này trở thành thành viên của ban nhạc vào cuối những năm 1970 tại trường trung học Fairfax - và đặc biệt, có một tình bạn sâu sắc với Flea và Hillel Slovak.
Flea sinh ra ở Melbourne, Australia và chuyển đến California cùng mẹ và các anh chị em của mình vào cuối những năm 1960. Cha dượng của anh là một nhạc sĩ nhạc jazz và cậu bé Flea thường được phép ngồi trong các buổi biểu diễn. Người bạn của anh, Hillel Slovak là một nghệ sĩ chơi guitar, đã dạy Flea cách chơi bass khi anh 16 tuổi. Trước đó, Slovak và gia đình Do Thái của mình đã từ Israel chuyển đến Los Angeles. Ngoài ra, tay trống Jack Irons cũng là bạn học của Flea, Kiedis và Hillel tại trường trung học Fairfax. Họ là những hạt nhân tạo nên đội hình ban đầu của Red Hot Chili Peppers.
Tuy nhiên, các thành viên sát cánh bên nhau không được bao lâu do 2 trong số họ nghiện ma túy nặng. Cuộc vật lộn với chứng nghiện ma túy của Kiedis được mô tả trong ca khúc Fight like a Brave (album The Uplift Mofo Party Plan). Phải mất nhiều năm với nhiều lần vào trại cai nghiện, Kiedis mới “sạch sẽ” và trở thành một người ưa sống lành mạnh, ăn chay trường và tránh xa rượu, ma túy như hiện tại.
Trong khi đó, tay guitar Hillel Slovak lại chịu thua trong cuộc chiến với ma túy. Vào ngày 25/6/1988, Slovak chết ở tuổi 26 vì sử dụng thuốc quá liều. Đau buồn trước cái chết của người bạn, tay trống Jack Irons rời ban nhạc.
Thành công đến từ sự tình cờ
Sau sự ra đi của Slovak, Flea và Kiedis vẫn muốn tiếp tục, vì vậy họ đã thuê các nghệ sĩ mới gồm tay guitar 18 tuổi John Frusciante - fan “cuồng” của ban nhạc, người biết tất cả các bài hát của họ - và Chad Smith chơi trống.
Với đội hình này, Red Hot Chili Peppers đã gặt hái được những thành công thương mại lớn nhất. Album Mother Milk được phát hành vào năm 1989. Tiếp theo là Blood Sugar Sex Magik được tung ra hai năm sau đó đã đưa Red Hot Chili Peppers trở nên nổi tiếng trên quốc tế. Đáng nói, bản ballad Under the Bridge, vốn không phải là một bài hát điển hình của Red Hot Chili Peppers, đã đạt vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng nhạc pop Billboard của Mỹ.
Cần nhắc lại là khúc ballad Under the Bridge chỉ xuất hiện trong album một cách tình cờ. Một ngày nọ, nhà sản xuất Rick Rubin đã xem qua sổ ghi chép của Kiedis trong buổi diễn tập và bắt gặp một bài thơ về trải nghiệm dùng ma túy của ca sĩ. Anh đã nói với ông “Đó không phải là bài hát mang phong cách của Chili Peppers”. Nhưng Rubin đã thuyết phục Kiedis chuyển bài thơ thành một bài hát và nó trở thành bản hit lớn nhất của ban nhạc. Câu chuyện này đã được Kiedis kể lại trong cuốn tự truyện Scar Tissue(2004).
- Album 'Unlimited Love' của Red Hot Chili Peppers: Trở về nhà trong tình yêu bất tận
- Ca khúc 'Under The Bridge' của Red Hot Chili Peppers: Sự cứu rỗi từ 'Bên dưới cây cầu'
- Ban nhạc Red Hot Chili Peppers bán quyền xuất bản ca khúc cho Hipgnosis giá 150 triệu USD
Trong cuốn Scar Tissue, Kiedis còn kể rằng anh, Flea và Smith tận hưởng danh tiếng có được vào thời điểm đó nhưng Frusciante thì không thoải mái. Cuối cùng nghệ sĩ guitar này rời ban nhạc vào năm 1992 và anh cũng phải vật lộn với các vấn đề về ma túy trong những năm sau đó. Tuy nhiên, Frusciante trở lại Red Hot Chili Peppers vào năm 1998 khi mọi thứ không suôn sẻ với người kế nhiệm của anh - Dave Navarro. Trong 6 năm, ban nhạc chỉ thu âm một album có sự tham gia của Navarro, đó là One Hot Minute.
Với sự trở lại của Frusciante, Red Hot Chili Peppers đã tung ra các album rất thành công, gồm Californication (1999), By the Way (2002) và Stadium Arcadium (2006). Năm 2009, Frusciante rời đi một lần nữa để theo đuổi các dự án solo. Josh Klinghoffer thay anh chơi guitar và thu âm album I’m with You (2011) cùng ban nhạc.
10 năm sau, ban nhạc chia tay Klinghoffer và Frusciante một lần nữa trở lại. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí âm nhạc Rolling Stone, Flea chia sẻ: “Ở góc độ nghệ thuật và có thể giao tiếp với cùng một ngôn ngữ âm nhạc, Frusciante luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng. Được trở lại một căn phòng cùng nhau và để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên thực sự là một điều tuyệt vời”. Còn Kiedis nói: “Thật tuyệt khi bạn không cảm thấy thời gian đã phủ bóng lên mình”.
Ban nhạc bán chạy bậc nhất mọi thời Với hơn 100 triệu bản thu âm được bán ra trên toàn thế giới, Red Hot Chili Peppers là một trong những ban nhạc bán chạy nhất mọi thời đại. Họ là ban nhạc thành công nhất trong lịch sử của dòng nhạc alternative rock, với kỷ lục nhiều đĩa đơn quán quân nhất (14), nhiều tuần ở vị trí số một (85) và nhiều bài hát nhất (25) trên bảng xếp hạng Billboard Alternative Songs. Ban nhạc đã giành được 6 giải Grammy, được ghi tên vào Sảnh Danh tiếngrock&roll năm 2012 và địa vị huyền thoại của ban nhạc cũng trở nên bất tử với một ngôi sao trên Đại lộ Danh tiếng Hollywood. |
Việt Lâm (tổng hợp)