"Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành nhiều thời gian nhất" quả không sai: 4 kiểu bạn, càng gần gũi càng khiến cuộc sống phú quý, phát tài
Ở gần ai, chúng ta sẽ âm thầm trở thành người như vậy. Ở gần những người tốt, ta sẽ được như người quân tử. Ở gần tiểu nhân, chúng ta sẽ trở nên nham hiểm và đầy thủ đoạn.
Mạnh mẫu ngày xưa vì sao phải chuyển nhà tới ba lần? Bởi lẽ ở trong môi trường nào, bạn sẽ gặp người như vậy, sự phát triển của con bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, mẹ của ông đã để ông tránh xa nghĩa địa, chợ, mà ở gần trường học.
Chính phương thức giáo dục này đã cho phép Mạnh Tử trở thành một bậc hiền triết Nho giáo, nổi tiếng thiên cổ. Suy cho cùng, sự phát triển của con người không chỉ liên quan đến năng lực cá nhân, mà còn liên quan đến việc chúng ta kết thân với ai và chúng ta hòa nhập vào vòng tròn xã giao nào.
Nếu bạn là một người cấp cao, bạn nên hòa nhập vào những vòng tròn xã giao cấp cao, có như vậy bạn mới có thể tạo ra bước đột phá và đạt được những thành tựu phi thường.
Kết thân với những người này, tài lộc của bạn sẽ tiến xa hơn.
1. Kết bạn với những người "đồng cam cộng khổ"
Rất dễ để tìm bạn khi ta đang ở đỉnh cao của cuộc đời, nhưng tìm được một người "đồng cam cộng khổ" lại không phải dễ dàng. Về vấn đề kết giao bạn bè, thà chú trọng đến chất lượng còn hơn là số lượng.
Khi bạn giàu có, tất cả những kẻ cơ hội sẽ tìm đến bạn, tâng bốc bạn, và nói những lời ngon ngọt, khiến bạn cảm thấy rằng mình rất nổi tiếng và được nhiều người yêu quý.
Nhưng khi bạn sa sút và phá sản, những kẻ cơ hội đó sẽ rời bỏ bạn, một số người thậm chí còn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn và giẫm lên bạn thêm vài lần. Những lúc như vậy, bạn mới nhận ra rằng đây mới là bản chất thực sự của con người.
Một nhà văn đã từng nói, con người ta khi ở vào hoàn cảnh thấp hèn mới có cơ hội tốt nhất để nhìn thấy bản chất thật sự của thế giới.
Khi ở địa vị cao, bạn sẽ bị người khác che mắt, sẽ không phân biệt được ai là người tốt và ai là kẻ xấu. Nhưng khi ở một vị trí thấp hay ở trong một mớ hỗn độn, bạn sẽ tìm thấy ai vẫn ở bên cạnh và yêu thương bạn.
Trong thế giới lãnh đạm này, hãy chọn những người mà bạn có thể cùng vui cùng khổ, cùng nhau bước tiếp, người mà dù ở trong mùa đông lạnh giá, vẫn sẽ khiến bạn cảm thấy như gặp được mặt trời ấm áp.
2. Thứ hai, kết bạn với những người "đánh giá cao lẫn nhau"
Chúng ta có thể gặp rất nhiều người trong cuộc sống, nhưng để gặp được người hiểu ta, lại không phải chuyện dễ dàng.
Một tiêu chí để đánh giá tri kỉ là xem đối phương có biết "đánh giá cao" bạn không, và liệu bạn cũng biết cách "đánh giá cao" anh ta hay không. Nếu như đôi bên đều coi trọng lẫn nhau, chứng tỏ hai người trời sinh có duyên.
Khi Lưu Bị gặp Gia Cát Lượng, ông xúc động nói rằng mình như cá gặp nước. Lưu Bị ngưỡng mộ đối sách Long Trung của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng cũng ngưỡng mộ chí hướng giúp thiên hạ của Lưu Bị, vì vậy mà hai người hợp tác với nhau.
Sống ở đời, không cần đòi hỏi bản thân phải có hàng nghìn người bạn, chỉ cần gặp được tri kỷ biết quý trọng lẫn nhau, vậy là đủ.
3. Thứ ba, người bạn đời không bao giờ rời xa ta
Có người từng đặt câu hỏi, nửa kia như thế nào mới đáng để chúng ta trân trọng cả đời?
Có người nói vẻ đẹp, có người nói giàu có quyền thế, có người nói nghe theo ý mình. Mỗi một cách sống có một quan điểm riêng.
Chỉ là ngoại hình sẽ già đi theo thời gian, tiền tài chỉ là vật ngoài thân, chỉ có "chân tâm" mới đáng để chúng ta cả đời nâng niu.
Cái gọi là "chân thành" thực ra rất dễ xác định, nó phụ thuộc vào cách đối phương đối xử với bạn ngay cả khi bạn không có gì trong tay. Nếu dễ dàng rời đi, đó không phải là một mối quan hệ tốt. Nếu không bao giờ rời đi, nó có nghĩa là vận mệnh đang đối xử tốt với chúng ta.
Rất nhiều người tay trắng làm nên sự nghiệp rực rỡ, tại sao khi giàu có, họ lại đối xử đặc biệt tốt với người bạn đời của mình? Bởi lẽ họ biết rằng tiền chỉ có thể thu hút những người đạo đức giả, còn người vợ không bao giờ rời xa, đó mới là tình yêu đích thực.
Trong thời đại ngày nay, người khác giới ưa nhìn không phải là thiếu. Chỉ có chân tình mới là thứ hiếm và là thứ đáng để nâng niu.
4. Thứ tư, đối thủ cạnh tranh "thúc đẩy lẫn nhau"
Những người thích chơi cờ phần lớn đều mong gặp được đối thủ có sức mạnh ngang ngửa mình. Tướng giỏi cầm quân đánh trận, đều mong gặp được cao thủ ngang tài ngang sức, để cùng phân thắng bại.
Thắng một ván đấu với kẻ yếu hơn mình là vô nghĩa, nó không giúp khơi dậy tiềm năng của một người. Chơi game với những người ngang tài ngang sức, thậm chí mạnh hơn mình mới là thú vui của cuộc đời.
Đối thủ cạnh tranh không nhất thiết phải là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta, họ hoàn toàn có thể là người khai phá tiềm năng mà đôi khi, nếu không được khơi dậy, chúng ta có lẽ cũng không biết rằng mình hoàn toàn có thể làm được.
Mở rộng tư duy, đừng bài trừ những người tài giỏi hay đang cạnh tranh với ta trong một lĩnh vực nào đó, bởi lẽ bạn không biết được rằng, đó vừa hay lại chính là quý nhân, giúp mở ra một khả năng, một lối rẽ khác giúp bạn.