Băn khoăn câu hỏi: Phạm Quang là ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Thật phũ phàng khi nghe câu đó từ một nhân vật làm bóng đá "đương thời", nắm quyền sinh quyền sát về tổ chức và phân công giám sát - trọng tài tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ bao năm qua.
- Quảng Nam vẫn thiếu 'tầm' để vô địch V.League
- V.League: Thắng không vui, thua cũng chẳng buồn
- FLC Thanh Hóa trong cuộc đua vô địch V.League: Tài của 'bố già' Petrovic là chưa đủ
Nhân tiện thông tin luôn, Phạm Quang là cựu cầu thủ Gia Lai, từng nhiều năm cầm còi tại các giải VĐQG, cho đến cách đây 10 năm khi bị phát hiện bệnh tim, hưu non và chuyển qua làm giám sát các trận đấu ở giải trẻ, rồi giải hạng Nhất quốc gia. Vừa rồi, khi đang điều hành giải hạng Nhất ở Huế, Quang phải nhập viện gấp cấp cứu, thay máy trợ tim. Vợ con li tán, không nhà không cửa, Phạm Quang đang phải ở tạm căn phòng nhỏ dưới tầng hầm khán đài NTĐ Pleiku, Gia Lai.
Nghe tin Phạm Quang tái phát bệnh tim, có thể đột quỵ nếu không được các bác sỹ cấp cứu kịp thời, không một ai trong giới trọng tài và giám sát trọng tài không thương tâm. Dân bóng đá, người biết chuyện cũng của ít lòng nhiều. Trước là cái tình đồng nghiệp, đồng đội cũ, động viên Quang về tinh thần, rồi tới vật chất. Đến ngay một giải đấu phong trào - ngoài chuyên nghiệp như giải bóng đá Thiên Long 2017 - Cúp Trần Doãn, dân phủi, rồi giới nghệ sỹ (vốn chẳng có mối quan hệ hữu cơ nào với ông giám sát Phạm Quang), cũng đưa các bàn tay ra.
Đặt ngược lại vấn đề nêu ở đầu bài viết. VFF, VPF liệu có biết Phạm Quang là ai không? Nếu không thể chia sẻ những khó khăn, vì lý do nào đó, cũng chẳng cần phải phũ miệng với người, với đời như thế, nhỉ?! Mà nói về độ phũ, có lẽ chẳng địa hạt nào phũ hơn bóng đá.
Bóng đá nói chung, nghề giám sát - trọng tài và cầu thủ nói riêng vẫn bị (hoặc được) cho là nghề bạc, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Chính vì cái sự phũ ấy, mà bóng đá bị quay lưng và người ta vẫn đang phải loay hoay: Làm cách nào để các doanh nghiệp và đặc biệt là khán giả, người hâm mộ và CĐV quay lại với sân bóng.
Suy cho cùng, lỗi là do phương pháp làm mà ra. Vẫn có nhiều cách khác nhau để cấy, để khơi gợi tình yêu và đam mê của người hâm mộ, và yếu tố đầu tiên quan trọng là phải đảm bảo một sản phẩm sạch. Chỉ khi nào bóng đá thuộc về khán giả, thuộc về cộng đồng, nó mới sống khoẻ. Và, nó cũng phải bắt đầu từ cung cách ứng xử giữa những người làm bóng đá với nhau, giữa nhà tổ chức và các CLB, với CĐV.
'Thượng đế' cần phải được tôn trọng, bởi chính họ mới nuôi sống bóng đá, chứ không phải nhà tổ chức hay ông bầu. 'Thượng đế buồn thượng đế bỏ đi' thôi!.
Tùy Phong