Xử phạt các hành vi xả rác qua camera
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 7/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 26/2020/QĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tăng cường sử dụng camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Động thái này cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong mục tiêu đối phó nạn xả rác trên địa bàn nhằm cải thiện môi trường đô thị.
Thu gom không xuể
Ông Trần Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó một lượng lớn bị xả sai quy định ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tắc nghẽn các đường thoát nước, dẫn đến ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.
Ông Trần Thành Bình chia sẻ, dù Công ty Thoát nước Đô thị thành phố đã thành lập một bộ phận công nhân duy tu đi thu dọn rác trên miệng hố ga, vớt rác dưới lòng cống để khơi thông nhưng không thể làm xuể khi có quá nhiều các loại rác thải khó phân hủy như túi ni lông, hộp xốp đựng thức ăn bị xả ra đường rồi trôi xuống cống mỗi ngày. Tại một số vị trí cống thoát nước gần các nhà hàng, khách sạn, dầu mỡ thải đóng thành từng mảng lớn trong lòng cống làm nghẽn dòng chảy và hư hỏng các hạng mục công trình thoát nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho người dân xung quanh.
- Xây dựng thói quen văn minh không xả rác nơi công cộng
- Sẽ xử phạt du khách xả rác bừa bãi ở lễ hội Chùa Hương
“Công việc hằng ngày của các công nhân là từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có hôm rác nhiều quá, họ phải làm việc đến 6 giờ tối. Nhiều anh em công nhân bị bỏng vì nước cống có hóa chất hoặc bị thương do đạp trúng mảnh chai, sắt thép nhọn bị trôi xuống cống. Có nơi vừa thu gom rác hôm trước, hôm sau quay lại thì rác đã tràn ngập trong lòng cống”, ông Trần Thanh Bình cho biết.
Theo ông Bình, các cuộc vận động người dân không xả rác của cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến ý thức, hành vi của người dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác vẫn còn diễn biến phức tạp do thiếu biện pháp chế tài hành vi xả rác khiến cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thể thực thi các biện pháp quyết liệt. Do vậy, việc triển khai xử phạt hành vi xả rác qua camera là phương án khả thi để giải quyết tình hình trước mắt.
Xử phạt qua camera: Nơi mạnh dạn, nơi dè chừng
Quận Thủ Đức là một trong những quận đi đầu của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc sử dụng camera an ninh để ngăn chặn hành vi xả rác từ nhiều năm nay; trong đó, riêng phường Trường Thọ là “điểm nóng” về nạn xả rác của quận được lắp đến gần 200 camera, vừa để phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản, vừa hỗ trợ phát hiện các hành vi xả rác bừa bãi.
Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, thời gian qua, quận Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng trích xuất camera để phát hiện, xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8/2020 đã xử phạt 8 trường hợp người dân cố tình xả rác xuống kênh, mương hoặc các khu đất trống vắng vẻ, ít người. Một số khu vực trên địa bàn quận như Cầu Nhà Trà, Kênh Ba Bò… trước đây vốn là những điểm thường xuyên bị đổ trái phép xà bần, rác thải nay đã được cải thiện đáng kể sau khi chính quyền quận thực hiện nghiêm việc giám sát qua camera.
Theo Đại úy Nguyễn Hữu Hậu, Phó trưởng Công an phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), để xử phạt đối tượng xả rác từ camera, lực lượng Công an phường, bảo vệ dân phố sẽ cùng nhau theo dõi, khoanh vùng và lưu giữ clip ghi lại cảnh người dân đổ rác trộm cùng đặc điểm nhận dạng của người vi phạm như gương mặt, biển số xe… Sau khi có được thông tin và xác định được địa điểm nơi cư trú từ đó công an phường sẽ mời người vi phạm lên cho xem lại clip để xác nhận sự việc, sau khi những người này xác nhận hành vi của mình thì Công an phường sẽ báo cáo và tham mưu cho Ủy ban nhân dân phường lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Còn tại quận Gò Vấp, nhờ các hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, thời gian qua Công an phường 17 đã xác định được nhiều đối tượng thường xuyên dùng xe máy để vứt số lượng lớn rác sinh hoạt cá nhân tại nhiều tuyến đường trên địa bàn, qua đó bố trí lực lượng chốt chặn theo dõi, bắt quả tang và lập biên bản xử phạt các đối tượng này đang thực hiện hành vi xả rác, mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, về bản chất của vụ việc, đây vẫn là hình thức bắt quả tang, lập biên bản để xử phạt chứ phải không dùng camera để “phạt nguội” hành vi xả rác.
Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, tuy thành phố có chủ trương sử dụng trích xuất camera để xử phạt hành vi xả rác nhưng hiện nay Nghị định 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường vẫn chưa quy định rõ về việc xử phạt hành chính thông qua hình thức này. Nếu chỉ căn cứ vào hình ảnh trích xuất từ camera để mời người vi phạm lên làm việc và lập biên bản thì rất dễ bị khiếu nại. Vì vậy, quận chỉ có thể sử dụng hình ảnh từ camera để tham khảo, nắm bắt quy luật, thời gian hoạt động của đối tượng đổ rác trộm có tính thường xuyên để theo dõi và bắt quả tang. Với các đối tượng vi phạm là người đi bộ vãng lai, đeo khẩu trang che kín mặt, không sinh sống trên địa bàn quận thì rất khó xác minh nhân thân để xử phạt.
Cần cụ thể hóa quy định
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định 165/2013/NĐ-CP quy định việc trích xuất hình ảnh từ camera phải do công an và thanh tra chuyên ngành thực hiện, chủ yếu dùng để phục vụ công tác điều tra và nhắc nhở người vi phạm về hành vi của mình. Còn khi tiến hành xử phạt thì vẫn phải căn cứ theo thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là mọi vi phạm hành chính theo nguyên tắc phải bắt tận tay, lập biên bản rồi mới xử lý chứ chưa thể dựa hoàn toàn vào trích xuất camera được; trừ phi người vi phạm tự thừa nhận hành vi vi phạm của mình dưới sự chứng kiến của lực lượng thanh tra chuyên trách về môi trường thì mới có cơ sở để xử phạt. Thời gian qua nhiều quận, huyện không xử phạt triệt để hành vi xả rác thông qua trích xuất camera cũng chính vì lo ngại không đảm bảo nguyên tắc xử phạt hành chính theo quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, hành vi xả rác nơi công cộng có đặc thù diễn ra nhanh, tức thời tại bất kỳ khung giờ nào trong ngày, đội ngũ cán bộ không thể túc trực 24/24 giờ để bắt quả tang từng đối tượng được. Camera là biện pháp hữu hiệu để làm chứng cứ bước đầu cho việc xử phạt những người xả rác, nhưng để có hành lang pháp lý vững chắc thì các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh nên xem xét, đề xuất bổ sung quy định được áp dụng hình ảnh từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính vi phạm về môi trường trong dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2016/CĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được Chính phủ lấy ý kiến góp ý.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuy còn vướng một số vấn đề về pháp lý, nhưng thành phố vẫn sẽ tiếp tục triển khai xử lý người xả rác trái phép thông qua trích xuất camera. Trước mắt, lực lượng Cảnh sát môi trường thành phố sẽ tăng cường phối hợp với Công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng để xác minh nhân thân lai lịch, hành vi của đối tượng thông qua hình ảnh trích xuất từ camera, qua đó đề xuất Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, các khu vực quận, huyện sẽ xúc tiến việc lắp đặt thêm camera tại các vị trí thường xuyên bị xả rác như những tuyến đường vắng, gầm cầu, chợ, khu đất chưa thi công…; tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình. Đồng thời, bố trí thêm lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xả rác ra môi trường, đảm bảo việc xử phạt duy trì thường xuyên, liên tục. Trường hợp hình ảnh trích xuất không đủ cơ sở xử phạt theo quy định tại Nghị định 165/2013/CĐ-CP, cần tiến hành nhắc nhở đối tượng vi phạm bằng các hình thức như nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố, khu phố…
Hồng Giang/TTXVN