Xét tuyển Đại học 2022: Thí sinh lưu ý các mốc quan trọng tiếp theo
Hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở trong thời gian 1 tháng qua (đến 17 giờ ngày 23/8/2022) để thí sinh chủ động trong việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học.
Bắt đầu từ hôm nay (24/8), thí sinh tiến hành thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển, theo lịch phân luồng các tỉnh, thành phố do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý các mốc thời gian quan trọng tiếp theo trong quá trình xét tuyển để thí sinh nắm được và thực hiện.
Cụ thể, thí sinh hoàn thành việc thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển trước 17 giờ ngày 31/8/2022.
Từ ngày 1/9 đến 17/9/2022, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.
Trước 17 giờ ngày 17/9/2022, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17 giờ ngày 30/9/2022, các thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Các thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Liên quan đến con số trên 325.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng xét tuyển lên Hệ thống (chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh có mong muốn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đây là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó, có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý "cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng" vì cho rằng, đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Năm nay, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung "có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không". Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
Năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; đến năm 2021, số lượng là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm, nhưng thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh sẽ biết mình đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao và nhận thấy rằng, không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học nên các em đã không đăng ký nữa. Điều này cũng giảm được công sức, lệ phí xét tuyển không cần thiết. Tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bên cạnh đó, các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, rất nhiều thí sinh đã bắt đầu hành trình đi du học ở khắp nơi trên thế giới.
- Lịch phân luồng thí sinh thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học 2022
- Mở lại hệ thống đăng ký xét tuyển đại học để thí sinh đăng ký và chỉnh sửa thông tin
- Thí sinh thông tin ngay về Bộ GD và ĐT nếu chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.
Nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh - đây là số liệu nhập học đại học cao nhất từ trước đến nay.
PV/TTXVN