loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”.
Văn khấn rằm tháng 7: Hàng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy âm lịch, người dân cả nước lại chuẩn bị đồ lễ cho ngày lễ Vu Lan hay còn gọi báo hiếu và lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là cúng cô hồn "mở cửa địa ngục".
Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa.
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni) đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nhờ tấm lòng hiếu thảo của mình. Ngài Mục Kiền Liên đã dùng tấm lòng thành của mình và thực hiện việc cúng dường Tam bảo, thánh tăng khắp mười phương vào đúng ngày Rằm tháng bảy, nhờ công đức đó, mẹ của ngài đã được giải thoát.
Đức Phật chỉ dạy, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng có thể dùng cách này vào ngày Rằm tháng bảy. Kể từ đó, lễ Vu Lan (hay còn gọi là Pháp Vu Lan Bồn) ra đời để những người con có dịp đền đáp công ơn của các đấng sinh thành hiện còn hoặc đã qua đời, cũng là để cứu vớt chúng sanh muôn loài.
Chia sẻ những giá trị tinhthần cao đẹp của lễ Vu Lan - báo hiếu, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, đại lễ Vu Lan - báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong hơn 2.000 năm qua giữa giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072.
Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.
Ngày nay, lễ Vu Lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Mùa Vu Lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, Anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh rằng: người Phật tử cần hiểu rõ ý nghĩa lễ Vu Lan để thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân, báo hiếu theo đức hạnh của ngài Mục Kiền Liên trong kinh điển Phật giáo và theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam chúng ta. Người Phật tử cần báo đáp đầy đủ Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân Tam Bảo và ân quốc gia xã hội theo tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật một cách thiết thực có ý nghĩa.
Năm nay, lễ Vu Lan 2021 là ngày 22/8/2021 Dương lịch. Lễ Vu Lan báo hiếu PL.2565 - DL.2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố.
Năm nay dù không được có mặt trực tiếp tại các chùa để dự lễ Vu Lan nhưng mọi người không lo sẽ không trọn lòng thành bởi lẽ “Phật tại tâm”.
Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng.
Thảo Nhi
loading...