Vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao?
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hà Nội mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng ở huyện Gia Lâm, Đông Anh và quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân phản ánh, hóa đơn tiền điện tháng 5 và 6 tăng cao. Khách hàng bày tỏ nghi ngại có sự nhầm lẫn trong tính tiền điện.
Một khách hàng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, gia đình có 4 điều hòa và một số thiết bị điện khác. Gia đình chỉ sử dụng điều hòa vào buổi tối là chính. Mọi tháng tiền điện chỉ trên dưới có 4,2 triệu đồng. Còn tháng 5, hóa đơn tiền điện của gia đình là 5,657 triệu đồng, cao hơn nhiều so với tháng trước đó.
Lý giải về vấn đề này, ngày 14/6 đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, theo quy luật thời tiết hàng năm, tháng 5 và 6 là thời điểm khu vực miền Bắc mà đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bước vào cao điểm mùa hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến, Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, kéo theo tiền điện cũng cao hơn tháng trước đó.
Trong tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (vào ngày 20 và 21/5) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày).
Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Cùng với đó, hiệu ứng nhà kính đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C. Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay.
Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy,, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô trong tháng 6 đã tăng rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 12/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 1/6 đến 12). Do nắng nóng nên nhiều gia đình, trường học, công sở đã tăng các thiết bị làm mát để phòng tránh nắng nóng.
Chỉ tính trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 5, tăng 100% so với tháng trước đó. Công ty Điện lực quận Nam Từ Liêm cho biết, hầu hết các trường học trên địa bàn đều lắp đặt thêm điều hòa trong các phòng học và phòng chức năng. Có trường học trên địa bàn, có 80 phòng thì tất cả đều được lắp đặt điều hòa. Chính nhu cầu sử dụng điện tăng như vậy, phía Công ty đã phải "căng mình" để cấy thêm đường dây, lắp đặt thêm trạm biến áp cấp điện cho 43 điểm trường học các cấp trên địa bàn.
Cùng với bổ sung nguồn cấp điện, Công ty Điện lực quận Nam Từ Liêm còn chủ động kiểm tra đường dây, kiểm tra nhiệt ở những mối nối, cắt cử công nhân trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời sự cố, quá tải điện trên địa bàn để việc cấp điện được an toàn trong những ngày nắng nóng.
Đại diện Công ty Điện lực quận Nam Từ Liêm nhìn nhận, trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài, người dân lắp thêm những thiết bị làm mát, cộng với ý thức tiết kiệm chưa cao của một số đơn vị, cá nhân sử dụng điện, có thể dẫn đến quá tải đường dây, trạm biến áp, gây thiếu điện, mất điện. Do vậy, người dân đặc biệt cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, nhận định chung về tình hình nắng nóng tháng 6 năm nay xảy ra nhiều hơn và diện rộng hơn so với tháng 5. Nắng nóng sẽ liên tục xảy ra trong cả tháng, ít có khả năng gián đoạn và nếu có gián đoạn cũng chỉ trong 1 - 2 ngày. "Chúng tôi dự báo vẫn có khả năng xuất hiện những điểm nắng nóng kỷ lục trong tháng 6 này", ông Lâm cho biết.
Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5 đến ngày 15/6, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ - “thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao.
Nghiên cứu cho thấy, vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50 - 60%. PGS.TS.Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Cùng đó, thói quen trời càng nóng, cài nhiệt độ điều hòa càng thấp của nhiều người sử dụng cũng vô tình gây tốn thêm điện. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ C, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 - 3%.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, để giúp giảm chi phí và góp phần vận hành ổn định lưới điện Thủ đô, khách hàng sử dụng điện cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 - 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Một nguyên nhân khác khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, theo EVN HANOI, đó là việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện, gây hại sức khỏe. Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn, cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa.
Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, EVN HANOI đưa ra lời khuyên đối với người sử dụng điện, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như bếp điện, máy giặt, bình nóng lạnh…) trong giờ cao điểm (bao gồm khung giờ từ 11h00 đến 14h00 và từ 18h00 đến 23h00 hàng ngày).
Đại diện EVN HANOI cho biết, đơn vị sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của khách hàng và có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và giải đáp một cách thỏa đáng mọi thắc mắc về hóa đơn tiền điện thông qua tổng đài 19001288.
Mạnh Khánh/TTXVN