loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Để ngăn ngừa nguy cơ sởi bùng phát thành dịch, Bộ Y tế quyết định mở chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.
Bệnh sởi gia tăng
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính.
Năm 2018, tính đến ngày 17-9-2018, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. Các tỉnh hiện có số ca bệnh sởi cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, như: Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...
Trong khi đó, sởi an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin MR (sởi-rubella) trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%.
Theo Bộ Y tế, số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm là rất lớn. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch do sởi là bệnh dễ lây truyền.
Giữa năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắc xin sởi-rubella cho 33 huyện thuộc 6 tỉnh nguy cơ bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%.
Hiện nay còn 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.
Theo kế hoạch, Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018-2019 được chia thành 2 đợt:
Đợt 1 được thực hiện trong giai đoạn tháng 11 và 12-2018, tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố.
Đợt 2 thực hiện từ tháng 1 và 2-2019, tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.
Mục tiêu chiến dịch là đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin MR.
Theo đó, tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ 1/1/2014-1/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ 1/3/2014-1/1/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.
Dự kiến chiến dịch sẽ tiêm cho khoảng gần 4,3 triệu trẻ em.
Dấu hiệu nhận biết
Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra và thường xảy ra khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh thường là 12-14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu chứng (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban.
Bệnh sởi có nhiều dấu hiệu nhầm lẫn với các bệnh lý khác, tuy nhiên, dấu hiệu đặc thù nhất của bệnh sởi chính là trẻ ho, sốt, chảy nước mắt, nước mũi. Đặc biệt, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy sau đó lan lên toàn mặt, dần dần ban lan ra toàn thân. Bệnh có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên, đôi khi bệnh có diễn biến phức tạp nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu bất thường, như: Sốt cao kéo dài không dứt, trẻ quấy khóc, nôn trớ…
Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Cách phòng tránh
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
+ Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi
+ Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi
- Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi
- Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ
- Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985. Tuy nhiên, hàng năm cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi.
Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, cần có kiến thức tự phòng, chống. Bên cạnh đó, cần tiến hành tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ ở độ tuổi mang thai và những người dân trong cộng đồng chưa có kháng thể chống sởi giúp giảm số người mắc, phòng lây nhiễm bệnh sởi...
TTXVN/Gia Khánh (tổng hợp)
loading...