Tăng tốc, giảm giá trước khi thuế về 0
(Thethaovanhoa.vn) - Số lượng tiêu thụ các dòng xe nhập khẩu tháng 8/2017 tăng tới 12% so với tháng trước đó, trong khi các dòng xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 6%. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, thuế nhập khẩu các mẫu xe sản xuất trong khu vực ASEAN từ 30% hiện nay sẽ về 0% (1/1/2018).
Và nếu tính tổng doanh số cộng dồn của 8 tháng đầu năm 2017 thì doanh số xe lắp ráp trong nước sụt giảm 11% nhưng xe nhập khẩu lại tăng 10%. Có thể thấy xu hướng chuyển dần sang nhập khẩu xe thay vì lắp ráp trong nước phổ biến cả ở những dòng xe có lượng tiêu thụ tương đối lớn. Đơn cử, đầu năm 2017, Toyota đã ngừng lắp ráp dòng SUV 7 chỗ bán chạy nhất trong phân khúc này, Fortuner, để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Honda cũng đã bỏ lắp ráp Civic, dòng xe khởi động dây chuyền lắp ráp xe ô tô Honda đầu tiên ở Việt Nam, chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Và nếu không có gì thay đổi, chiếc xe nhỏ Honda Jazz và phiên bản mới của CR-V (7 chỗ ngồi) sẽ được bán ra thị trường vào đầu năm 2018 đều được nhập khẩu thay vì lắp ráp. GM Việt Nam cũng đang “ngoại hóa” dần danh mục sản phẩm của hãng. Đối thủ của EcoSport, chiếc SUV đô thị Chevrolet Trax được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Chiếc SUV 7 chỗ, đối thủ của Fortuner, Chevrolet Trailblazer, mới ra mắt tại Triển lãm ô tô Việt Nam, được nhập khẩu từ Thái Lan.
Tương tự, các mẫu xe Suzuki cũng đã chuyển qua nhập khẩu tất cả các dòng xe du lịch (passenger) của hãng, kể cả nhập từ châu Âu như Vitara được nhập khẩu từ Hungary… Đặc biệt, hầu như tất cả các mẫu xe mới được chào hàng tại Triển lãm ô tô Việt Nam tháng 8 vừa qua đều nằm trong diện nhập khẩu từ ASEAN và kế hoạch phân phối đều bắt đầu từ đầu năm 2018, khi thuế nhập khẩu về 0% cho các mẫu xe sản xuất trong khu vực.
Song song với cuộc tăng tốc của xe nhập là cuộc giảm giá trên diện rộng của nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước, không dừng lại ở những mẫu xe bán ế, mà cả những mẫu đang bán chạy như Vios, Innova của Toyota hay CX-5 của Mazda. Hàng loạt các chương trình ưu đãi, giảm giá được nhiều hãng thực hiện liên tục từ đầu năm đã khiến giá xe trong nước giảm đáng kể, nhiều mẫu xe tương đương với các thị trường trong khu vực. Đơn cử như Mazda CX-5 chỉ còn khoảng 34.000 USD (790 triệu đồng), còn thấp hơn ở Thái Lan (giá khoảng 36.000 USD) và thấp hơn nhiều so với Indonesia (40.000 USD). Tương tự, giá các dòng Vios, Mazda3 ở Việt Nam hiện nay chỉ nhỉnh hơn giá tại Thái Lan không đáng kể.
Như vậy, nhiều chuyên gia dự báo, tới thời điểm 1/1/2018, nếu không có gì thay đổi, giá xe (với những dòng xe phổ thông sản xuất tại ASEAN) có thể còn giảm nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu có thay đổi ở thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ thì giá xe cũng sẽ thay đổi theo. Cụ thể, dòng xe có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thời gian qua, xe bán tải, hiện đang được đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15% hiện nay lên 33%, giá xe có thể tăng hàng trăm triệu đồng.
GM làm nóng phân khúc xe cỡ nhỏ với Chevrolet Spark 2018 GM Việt Nam vừa ra mắt phiên bản mới của mẫu xe đô thị cỡ nhỏ, Chevrolet Spark 2018 với thiết kế ngoại thất mới và công nghệ tiên tiến cho cả 3 phiên bản: Spark LS, Spark LT 5 chỗ và Spark Duo 2 chỗ. Riêng phiên bản cao cấp nhất Spark LT 2018 được trang bị những công nghệ mới thường thấy ở những phân khúc cao hơn như hệ thống giải trí toàn cầu Chevrolet Mylink thế hệ mới nhất cho phép người sử dụng kết nối các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng để nghe nhạc, xem phim, ảnh cũng như đồng bộ và hiển thị danh bạ lên màn hình cảm ứng màu 7 inch. Hệ thống khóa thông minh với chìa khóa điều khiển từ xa giúp việc mở cửa xe trở nên thuận tiện và dễ dàng. Mẫu xe nhỏ này có giá từ 299 đến 389 triệu đồng. |
Phan Ka
Thể thao & Văn hóa