A+ A A- Kiểu đọc sách

Phòng bệnh sốt xuất huyết

13:49 29/08/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm

Sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm

7 tháng năm 2019, cả nước có 105 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 10 trường hợp đã tử vong.

- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virút gây nên. Virút gây bệnh chủ yếu là virút Dengue. 

- Virút Dengue có bốn týp là: týp 1, týp 2, týp 3 và týp 4. Khi cơ thể bị nhiễm bởi 1 týp sẽ để lại miễn dịch lâu dài với týp đó nên chúng ta có thể mắc bệnh lần thứ 2 do nhiễm týp khác.

- Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. 

- Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng thường gặp của bệnh là sốc, xuất huyết và suy đa tạng, người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

- Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền bằng cách nào?

- Virút từ người bệnh truyền sang người lành do muỗi đốt. 

- Muỗi cái Aedes aegypti (muỗi vằn) là côn trùng truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn cái thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Chú thích ảnh
Muỗi vằn cái (Aedes aegypti) truyền bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện gì và nguy hiểm không?

- Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. 

+ Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Da xung huyết. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

+ Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, dấu hiệu của xuất huyết da niêm và tạng. Các biến chứng thường xuất hiện ở thời gian này là sốc, xuất huyết và suy đa tạng, có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

+ Giai đoạn hồi phục: Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.

Bệnh sốt xuất huyết điều trị như thế nào?

- Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu của bệnh là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi được Bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú cho người bệnh và thân nhân hiểu rõ.

- Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối.

- Khi người bệnh sốt: Lau mát, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng biện pháp nào?

- Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.

- Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt và diệt muỗi.

* Phòng tránh muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

* Diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy):

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng (bọ gậy).

+ Rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp (vỏ) xe cũ, hốc tre,..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn (tủ) đựng chén bát, thay nước bình hoa.

* Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2012), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết dengue, Nhà Xuất Bản Y Học, Hà Nội.

2. Nguyễn Trọng Lân (2004), Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue, Nhà Xuất Bản Y Học, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, 

3. Đông Thị Hoài Tâm (2006), Bệnh Sốt Xuất Huyết Dengue, Bệnh truyền Nhiễm - Bộ Môn Nhiễm - Trường Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Y Học, Thành Phố Hồ Chí Minh, trang 262-272.

4. Lê Xuân Thủy (2015), Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết, Cục Y Tế Dự Phòng – Bộ Y tế, http://vncdc.gov.vn/vi/huong-ung-ngay-asean-phong-chong-sot-xuat-huyet/119/-cach-phong-benh-sot-xuat-huyet-, cập nhật: 12/05/2015.

5. WHO (2016), Dengue: guidelines for patient care in the Region of the Americas, Washington, D.C. PAHO.

Bs. Ngô Văn Út – Khoa Tổng Hợp,
Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...