A+ A A- Kiểu đọc sách

Những phương pháp điều trị Covid-19 đã được WHO phê duyệt

00:00 18/01/2022
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một tuần qua, biến thể Omicron tiếp tục làm chao đảo toàn cầu khi nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục. Đây là những con số biết nói, cho thấy mức độ nguy hiểm khó lường của biến chủng Omicron và việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn cần được chú trọng trong năm 2022.

Vaccine và thuốc điều trị Covid-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron

Vaccine và thuốc điều trị Covid-19 có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron

Trong một nghiên cứu mới công bố trên bioRxiv, nhóm nghiên cứu từ Mỹ và Trung Quốc cho biết biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của các loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, cũng như các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng (mAbs).

Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh kết hợp của thuốc phòng bệnh (vaccine) và chữa bệnh (thuốc điều trị COVID-19) được nhận định là những thứ vũ khí tốt nhất giúp thế giới chiến thắng dịch bệnh.

Các phương pháp điều trị được WHO phê duyệt        

Thế giới bước vào năm mới 2022 đang chứng kiến tình trạng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron lan rất nhanh và mạnh như cơn sóng thần. Biến thể Omicron đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của con người về đại dịch COVID-19. Omicron đã thay đổi virus SARS-CoV-2 gần như ở mọi cấp độ, từ tỷ lệ lây nhiễm, thời gian lây nhiễm cho tới mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà nó gây ra. Biến thể dễ lây nhiễm này lây lan với tốc độ chưa từng có, hoàn toàn vượt quá khả năng xét nghiệm và đang lây nhiễm cho nhiều người hơn bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch với số các nhập viện cao kỷ lục.   

Trong tuần qua, số ca mắc mới trên toàn cầu tăng 35% so với một tuần trước đó, lên hơn 20,24 triệu ca. Đáng chú ý, ngày 13/1, thế giới lần đầu tiên ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc mới trong một ngày. Số trường hợp nhập viện tăng đột biến và nhiều hệ thống y tế bị quá tải đã dẫn tới số bệnh nhân không qua khỏi tăng 14%, với hơn 48,6 nghìn trường hợp trong vòng một tuần qua.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, số ca nhiễm mới Omicron có ngày lên tới 1,3 triệu ca và theo dự báo với tốc độ hiện nay, có tới một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể này trong 6 đến 8 tuần tới.      

Tại Mỹ, hơn 98,3% số ca mắc mới là do biến thể Omicron, có ngày ghi nhận tới 1,4 triệu ca, trong khi số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày tăng cao, với xấp xỉ 2.000 ca.   

Không chỉ Mỹ và châu Âu với nhiều “kỷ lục buồn” trong tuần qua, hàng loạt quốc gia châu Á cũng đang phải “gồng mình” đối phó với biến thể Omicron.  Sau 4 tháng gần như khống chế được dịch bệnh, số ca mắc mới tại Nhật Bản lại vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày và ngày 15/1 đã vượt 25.000 ca. Tại Ấn Độ, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy với 27 bang trên toàn quốc đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể này, khiến ca mắc mới COVID-19 tăng gấp 20 lần trong vòng một tháng qua.   

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng thực tế cho thấy cuộc tấn công của “cơn sóng thần” biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong trên toàn cầu, đe dọa “nhấn chìm” hệ thống y tế ở nhiều nước. Và trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, trong một diễn biến tích cực, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/1 đã phê duyệt 2 phương pháp điều trị mới để ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19.   

Phương pháp thứ nhất là sử dụng thuốc viêm khớp Baricitinib (của hãng dược Mỹ Eli Lilly & Co.) kết hợp Corticosteroid để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Baricitinib nằm trong một nhóm thuốc khác được gọi là thuốc ức chế Janus kinase, nhưng có cùng hướng dẫn như thuốc ức chế IL-6. Đây được xem là hy vọng lớn cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 khi tăng tỷ lệ sống sót và giảm nhu cầu dùng máy thở.   

Phương pháp thứ hai là điều trị kháng thể tổng hợp Sotrovimab cho những người mắc COVID-19 không nghiêm trọng có nguy cơ nhập viện cao nhất, như người cao tuổi, bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường. Các hướng dẫn cho biết Sotrovimab có thể được sử dụng cho cùng nhóm bệnh nhân. Theo WHO, lợi ích của Sotrovimab với những người không có nguy cơ nhập viện được coi là không đáng kể, đồng thời hiệu quả của thuốc với các biến chủng mới như Omicron "vẫn chưa chắc chắn".

Trước đó, 3 phương pháp điều trị COVID-19 được WHO chấp thuận là: Corticosteroid sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh nặng (phê duyệt vào tháng 9/2020); Thuốc trị viêm khớp Tocilizumab và Sarilumab (phê duyệt vào tháng 7/2021). Đây là thuốc ức chế IL-6 ngăn chặn phản ứng quá mức nguy hiểm của hệ thống miễn dịch với SARS-CoV-2; Điều trị bằng kháng thể tổng hợp Regeneron (phê duyệt vào tháng 9/2021).

Những tiến bộ về thuốc điều trị COVID-19   

Kể từ đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều hãng dược trên thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu và bào chế vaccine phòng chống bệnh, nhờ đó hàng triệu người đã được cứu sống. Trong thời gian vừa qua, một số công ty dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 và điều này hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,1 triệu người trên toàn cầu tử vong.   

Hồi đầu tháng 11/2021, thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck & Co (Mỹ) đã trở thành thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc COVID-19 vừa và nặng. Động thái này đánh dấu sự cho phép đầu tiên trên thế giới từ một cơ quan y tế đối với thuốc kháng virus bằng đường uống được sử dụng để điều trị COVID-19 ở người lớn. Theo báo cáo các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc Molnupiravir, có tên thương mại là Lagevrio, giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân COVID-19.   

Chú thích ảnh
Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến tích cực khác, một loại thuốc viên kháng virus khác để điều trị COVID-19 có tên là Paxlovid của hãng dược Pfizer Inc của Mỹ cũng đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt ngày 23/12/2021 vừa qua. Trong thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc viên dạng uống này cho thấy khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành.  Thuốc paxlovid có hai thành phần nirmatrelvir và ritonavir kết hợp với nhau giúp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân, làm giảm 88% tỷ lệ nhập viện và tử vong.   

Ngay sau khi được phê duyệt tại Mỹ, Pfizer đã thực hiện bàn giao thuốc ngay. Hiện hãng đang xin cấp phép với Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) để được cấp phép lưu hành trên thị trường châu Âu. Ngoài ra, Pfizer cũng đã hoàn tất quy trình xin cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid tại một số nước, trong đó có Anh, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và sẽ tiếp tục xin cấp phép tại nhiều nước khác. Pfizer kỳ vọng công ty có thể sản xuất ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm 2022…   

Theo các chuyên gia y tế, với tác dụng của các loại thuốc điều trị COVID-19, cùng với việc tiêm vaccine, các quốc gia sẽ có khả năng sống chung với dịch bệnh. Ông Alber Bourla, Chủ tịch-Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer cho biết, thuốc điều trị sẽ là yếu tố thay đổi “cuộc chơi” và cho rằng đây sẽ yếu tố thay đổi dịch bệnh, có tiềm năng cứu hàng triệu mạng sống.   

Ông Sanjaya Senanayake, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đồng thời là Phó Giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng do con người sẽ sống chung lâu dài với COVID-19, việc bào chế các loại thuốc điều trị này là rất quan trọng. Ông khẳng định tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất nhằm giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nhập viện, trong khi những loại thuốc điều trị dạng uống sẽ củng cố "kho vũ khí" của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này, các loại thuốc điều trị sẽ giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người không thể tiêm vaccine hoặc những người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều.   

Nhưng dù thuốc điều trị COVID-19 được chứng minh có thể làm giảm tác động tồi tệ của dịch bệnh thì vẫn không thể phủ nhận sự cần thiết của vaccine ngừa COVID-19. Hiện nay, nhiều nước đã coi việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng đối với dịch vụ y tế. Italy đã ban hành quy định tiêm vaccine bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi. Tại Áo, những người chưa tiêm phòng bị cấm tham gia hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả những khu vực mua sắm không thiết yếu, khách sạn và nhà hàng. Nước này cũng đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho tất cả người dân ngay từ tháng tới.   

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang thực hiện chiến lược “khóa chặt những người từ chối tiêm chủng”, không cho phép họ lui tới rạp hát hay tham gia các hoạt động giải trí khác.   

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này thông báo mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời sẽ tiêm mũi thứ tư vacccine ngừa COVID-19 cho nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương. Thời gian tiêm giữa mũi hai và mũi ba cũng được quy định là 5 tháng, tức rút ngắn 1 tháng so với quy định trước.       

Còn tại Pháp, Hạ viện và Thượng viện nước này đã thông qua kế hoạch áp dụng thẻ vaccine do Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Theo Tổng thống Pháp, tiêm vaccine không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ. Ông cũng khẳng định chiến lược chống dịch COVID-19 của Pháp từ nay sẽ tập trung vào những người từ chối tiêm vaccine.   

Mỹ cũng đã siết chặt quy định tiêm vaccine trong bối cảnh 40 bang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới ngưỡng đỉnh. Theo đó, quy định của liên bang yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1 và những ai không muốn tiêm vaccine phải đưa ra kết quả xét nghiệm hằng tuần...

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...