loading...
(Thethaovanhoa.vn)- Trong lịch sử gần một thế kỷ rưỡi của mình, thế giới ô tô gần như được xem là lãnh địa của đàn ông. Không nhiều người trong chúng ta biết rằng có một số phụ nữ đã để lại những đóng góp lớn lao, thậm chí là những thay đổi quan trọng cho ngành chế tạo xe hơi tới tận hôm nay.
Điều này tạo thêm cơ hội để các “đấng mày râu” thêm sự lựa chọn món quà tặng cho nàng thân yêu của mình. Dưới đây là 5 tựa sách dành riêng cho nàng:
Nhà tiếp thị và PR đầu tiên của ngành công nghiệp xe hơi
Không ai khác đó chính là Bertha Benz. Chồng của Bertha, ông Karl Benz, đã thiết kế chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới. Bà tin tưởng vào dự án này đến mức đầu tư toàn bộ của hồi môn vào công ty của Benz. Năm 1886, Karl Benz đăng ký bằng sáng chế đầu tiên cho chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong song vấp phải sự nghi ngại và thơ ơ của người tiêu dùng thời đó. Ngồi trên một chiếc xe chạy bằng…ngựa có vẻ đáng tin hơn một cái gì đó gọi là động cơ. Bertha đã tự mình chứng minh cho mọi người thấy Motor Car có thể làm được gì. Không bàn bạc với chồng, bà tự mình với hai cậu con trai tuổi teen bên cạnh, đã lái xe từ Mannheim đến Pforzheim. Đây được xem là chuyến đi “tiếp thị” đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô, giúp mở toang cánh cửa của ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu của thế kỷ 20 này.
Không có hai người này, chúng ta sẽ không thể lái xe khi trời mưa
Vào những năm 1900, thiết kế ô tô lúc đó không có cái gạt kính trước. Gặp trời mưa thì các lái xe cứ một lúc lại phải nhảy ra ngoài để lau kính (!). Mary Anderson đã tìm cách chế tạo ra cần gạt nước cho kính chắn gió, tuy nhiên ban đầu nó điều khiển bằng tay ở phía bên trong xe. Tới năm 1917, một người phụ nữ khác, Charlotte Bridgwood đã đưa chiếc gạt nước kính chắn gió bằng tay của Mary Anderson lên một tầm cao mới bằng việc đăng ký bằng sáng chế cho chiếc gạt nước kính chắn gió điện tử đầu tiên cho xe hơi trên thế giới – là thứ mà trên mọi chiếc xe hơi ngày nay, dù là xe bình dân hay xe siêu sang, đều không thể thiếu.
Thế nhưng, cũng giống như Anderson, đóng góp này của Bridgwood ít được nhắc đến. Bà cũng không thu được bao nhiêu tiền từ phát minh nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng nói trên. Công ty nhỏ của bà đã sản xuất cần gạt nước tự động nhưng bằng sáng chế của bà hết hạn vào năm 1920, nghĩa là chỉ 1 năm sau khi được cấp. Sáng chế này bị các công ty ô tô lớn thâu tóm. Và chỉ vài năm sau đó cần gạt nước tự động trở thành thiết bị tiêu chuẩn đối với mọi ô tô cá nhân.
Không có người này, chúng ta khó có thể lái xe giữa trời nắng
Đơn giản bởi vì Katharine Blodgett, người phụ nữ đầu tiên được trao bằng Tiến sĩ về Vật lý của Đại học Cambridge, khám phá cách tạo ra một bề mặt “vô hình” cho các tấm kính được gắn trên xe hơi (bao gồm kính chắn gió phía trước, kính cửa sổ, kính hậu) để chúng không bị chói.
Ở nơi không có gương mặt đàn bà
Nếu xe hơi được xem là lãnh địa của đàn ông thì bộ phận thiết kế (ngoại và nội thất) được xem như “gương mặt” của thế giới ấy, ở đó nửa thế kỷ trước là nơi không có gương mặt phụ nữ! Bằng “một cách nào đó”, Helene Rother, người phụ nữ Đức cùng đứa con gái nhỏ của mình đã sống sót trong một trại tị nạn ở Casablanca thời kỳ Thế chiến 2, và tìm được đường tới Mỹ. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc trong bộ phận thiết kế ở Detroit, sau đó trở thành một nhà thiết kế nội thất xe hơi độc lập. Cùng với Helene Rother, là Suzanne Vanderbilt, từng là nhà thiết kế chính của thương hiệu Chevrolet cùng hai bằng sáng chế lưng ghế bơm hơi và công tắc an toàn cho bảng điều khiển ô tô.
Tay lái nữ khiến cánh đàn ông khiếp sợ
Mặc dù đã là người mẹ hai con song Joan Newton Cuneo vẫn khiến cánh mày râu run sợ khi cô xuất hiện trên đường đua từ năm 1905 đến 1912. Cuneo lập nhiều kỷ lục tốc độ và nổi tiếng với phong cách lái xe đua dũng mãnh. Và vì run sợ nên những người đàn ông đã vận động để các đường đua ở Mỹ cấm phụ nữ tham gia các cuộc đua chính thức, buộc Cuneo phải nghỉ thi đấu.
Phan Ka (tổng hợp)
loading...