Lãi suất vay vốn kinh doanh sản xuất liệu có tăng theo đà huy động?
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn cho kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng cao, nhất là nguồn vốn giá rẻ.
Tuy nhiên, với xu hướng tăng lãi suất huy động liên tục từ đầu năm đến nay, liệu lãi suất cho vay còn có thể tiếp tục giữ ở mức thấp?
Khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất ưu đãi cho vay kinh doanh hiện đang dao động từ khoảng 6,7-8,1%/năm với thời hạn vay tối đa từ 60 tháng đến 180 tháng tùy từng ngân hàng.
Trong đó, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khách hàng vay vốn kinh doanh được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,7-7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) lãi suất từ 7-8,1%/năm; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) từ 6,8%/năm...
Các mức lãi suất ưu đãi này có thể được áp dụng cố định từ 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng... thậm chí lên tới 7 hoặc 10 năm tùy từng gói tín dụng của mỗi ngân hàng. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường.
Tuy vậy, sau hơn 2 năm gần như "ngủ đông" vì đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trở lại đường đua đang phải đối mặt với áp lực lớn do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao. Do đó, việc tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang là điều mà doanh nghiệp mong ngóng.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã công bố dành 710 tỷ đồng để giảm trực tiếp lãi vay 2%/năm đối với các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thỏa mãn điều kiện quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là những ngân hàng đầu tiên công bố triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% này.
Đây là gói tín dụng quy mô lớn 40.000 tỷ đồng, được trích từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn trong kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 là hơn 16.000 tỷ đồng và năm 2023 là gần 24.000 tỷ đồng.
Đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, dù doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ lãi suất 2% này để có được nguồn vốn giá rẻ cho sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế số doanh nghiệp được tiếp cận và lượng tín dụng giải ngân mới theo gói lãi suất 2% đến nay chưa được nhiều.
Nguyên nhân chính ông Cường nhận định có thể nằm ở hạn mức (room) tín dụng. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2022, khi chưa triển khai hỗ trợ lãi suất, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã ở mức rất cao nên dư địa để tiếp tục mở rộng cho vay mới với lãi suất hỗ trợ 2% không còn nhiều. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng. Điều này khiến ngân hàng khó lòng giải ngân mới dù rất nhiều doanh nghiệp còn "khát" vốn.
GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích dù e ngại room tín dụng nới rộng quá cộng thêm việc nhập khẩu lạm phát sẽ khiến lạm phát trong nước tăng cao nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng lạm phát trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát khá tốt ở mức 2,24%. Thêm vào đó, lượng tiền nhiều năm qua cung ra nền kinh tế không phải là nhiều nên áp lực lạm phát do lượng cung tiền đối với Việt Nam không phải là quá lớn trong khi nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh rất cao.
"Do đó cần mạnh dạn nới rộng thêm room tín dụng để ngân hàng có dư địa cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận gói vay mới với lãi suất ưu đãi. Như vậy, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế", vị Giáo sư kiến nghị.
Ở góc độ nhà quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Trong một Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh từng khẳng định, room tín dụng chỉ là công cụ kỹ thuật để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ. Có thể doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do không đủ điều kiện chứ ngân hàng không thiếu nguồn vốn để đáp ứng.
Theo giới chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất 2% phải thực hiện “đại trà” mà chỉ tập trung vào 13 lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Do đó, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ lãi suất thì vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản về tín dụng của các ngân hàng. Theo quy định, khách hàng có số dư nợ gốc, lãi quá hạn không được hỗ trợ 2% lãi suất, vì thế khách hàng cần xử lý số nợ quá hạn để được hưởng chính sách ở các kỳ trả nợ lãi tiếp theo. Còn với các khoản vay được gia hạn nợ, khách hàng vẫn được hỗ trợ trong thời gian gia hạn nợ.
- Ngân hàng Nhà nước: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%
- Điều tra hoạt động cho vay tiền với lãi suất gấp 9 lần quy định
- Đề nghị kéo giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Còn về xu hướng tăng lãi suất, GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, việc ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian qua không chỉ là giải pháp giúp tăng nguồn vốn để phục vụ cho vay nền kinh tế mà còn giúp kiểm soát lượng tiền dư thừa lưu thông, tránh đổ vào các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, chứng khoán... và cũng góp phần kiềm chế tốt lạm phát.
Với lãi suất cho vay, Chính phủ đã nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất cho vay nên theo ông Cường, dù lãi suất huy động đang tăng nhưng nhằm đáp ứng mục tiêu giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng buộc phải thực hiện các biện pháp để tiết kiệm chi phí và quản lý tốt nguồn vốn cho vay để có thể giảm trích lập dự phòng rủi ro. Từ đó giúp thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Vì vậy, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục được duy trì ổn định giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% cùng loạt biện pháp trên của các tổ chức tín dụng.
Tính đến cuối tháng 6, tín dụng đã tăng trên 9,3%, cao hơn nhiều so với mức 6,4% của cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Lê Phương/TTXVN